1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Số ca sốt xuất huyết giảm 23% nhưng tử vong tăng cao: Viện Pasteur nói gì?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Đại diện Viện Pasteur TPHCM đã lý giải về nguyên nhân vì sao số ca mắc sốt xuất huyết/100.000 dân tại khu vực phía Nam giảm 23% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng số ca bệnh nặng và tử vong tăng cao.

Mới đây, Viện Pasteur TPHCM tổ chức buổi họp giao ban trực tuyến về "Phòng, chống sốt xuất huyết Dengue khu vực phía Nam", với sự tham dự của 20 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương.

Nguy cơ bùng dịch sốt xuất huyết "hậu Covid-19"

Theo báo cáo tại cuộc họp, tính đến tuần 16/2022, tình hình sốt xuất huyết Dengue tại khu vực phía Nam giảm 23% số ca mắc/100.000 dân so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và tử vong tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Một số tỉnh, thành nằm trong danh sách tăng nhanh tỷ lệ mắc nặng gồm: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương (khu vực Đông Nam Bộ), Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Tiền Giang (Tây Nam Bộ). Riêng TPHCM đã thống kê gần 4.500 ca bệnh. Ước tính trong các tháng sắp tới, dịch sốt xuất huyết tại địa phương sẽ còn có nguy cơ tăng cao nếu không thực hiện sớm các biện pháp phòng dịch.

Số ca sốt xuất huyết giảm 23% nhưng tử vong tăng cao: Viện Pasteur nói gì? - 1

Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM (Ảnh: CTV).

Ngày 28/4, Sở Y tế TPHCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã có buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn quận Bình Tân.

Theo đó, dù tổng số ca bệnh giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đến giữa tháng 4 lại đang có xu hướng gia tăng. Quận Bình Tân thống kê hiện có 1.372 điểm nguy cơ như các khu đất trống, các công trình xây dựng, hệ thống cống rãnh tại hơn 100 trường học, các hộ chăn nuôi gà, bình hoa tại khu vực nghĩa trang, bãi xe và các cơ sở bán sắt thép trên địa bàn.

Tại công trình đang thi công, đoàn kiểm tra ghi nhận nhiều khu vực còn đọng nước, còn tồn tại một số vật liệu xây dựng và rác thải rải rác... Đây là những điểm nguy cơ làm phát sinh lăng quăng và có thể gây bệnh sốt xuất huyết cho công nhân làm việc cũng như người dân sinh sống xung quanh.

Số ca sốt xuất huyết giảm 23% nhưng tử vong tăng cao: Viện Pasteur nói gì? - 2

Lãnh đạo ngành y tế TPHCM kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại quận Bình Tân (Ảnh: HCDC).

Nguyên nhân tỷ lệ mắc giảm nhưng tăng ca nặng, tử vong

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc vì sao lại có nghịch lý số ca mắc sốt xuất huyết tại khu vực phía Nam giảm nhiều nhưng tăng tỷ lệ nặng và tử vong, ThS.BS Lương Chấn Quang, Phó Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM cho biết, sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua muỗi vằn (muỗi Aedes).

Khí hậu miền Nam nóng ẩm, mưa nhiều, phù hợp với việc phát triển quanh năm của muỗi. Cộng thêm dụng cụ chứa nước nguy cơ trong cộng đồng đa dạng, phong phú gây khó khăn cho việc kiểm soát sự phát triển của quần thể muỗi truyền bệnh.

Mặt khác, sau 2 năm giãn cách xã hội trong thời gian dịch Covid-19, xã hội đã quay trở lại trạng thái bình thường, càng tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát tán nhanh, rộng trong cộng đồng.

Theo đại diện Viện Pasteur TPHCM, các bệnh viện ở khu vực phía Nam ghi nhận nhiều trường hợp sốt xuất huyết đến bệnh viện rất trễ, trong tình trạng rất nặng. "Một trong những yếu tố thành công để giảm tử vong do sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhân cần đến viện sớm để được theo dõi, ngăn ngừa chuyển nặng, cũng như phát hiện chuyển nặng sớm để can thiệp kịp thời" - ThS.BS Lương Chấn Quang lý giải nguyên nhân gây gia tăng ca nặng và tử vong.

Số ca sốt xuất huyết giảm 23% nhưng tử vong tăng cao: Viện Pasteur nói gì? - 3

Công trường xây dựng có nhiều rác thải, dụng cụ chứa nước đa dạng gây khó khăn cho việc kiểm soát sự phát triển của quần thể muỗi truyền bệnh (Ảnh: HCDC).

Phân tích ở góc độ dịch tễ học nói chung, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ, độ nặng của sốt xuất huyết có sự thay đổi theo chủng, như DEN-2 sẽ nặng hơn chủng DEN-1 và DEN-3.

Kế đến, có hiện tượng tăng cường chuyển nặng do kháng thể. Nếu người dân đã nhiễm bệnh chủng cũ vào năm trước, có kháng thể "không hoàn hảo" (chỉ bảo vệ hoàn toàn với chủng đã nhiễm) thì khi nhiễm chủng mới có thể bị nặng hơn. Do đó, tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chuyển nặng không phải lúc nào cũng đi cùng hướng với nhau.

ThS.BS Lương Chấn Quang khuyến cáo, sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu nên để phòng bệnh, mỗi người dân cần lưu ý đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi bị sốt cao kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, hoặc nặng hơn với triệu chứng vật vã, li bì, lừ đừ, đau bụng do gan to, nôn nhiều…

Ngoài ra, mỗi gia đình cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện, đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, súc rửa, thu dọn, lật úp các dụng cụ chứa nước xung quanh nhà…