Tập thể dục: Cố quá lại gây hại

Nam Phương

(Dân trí) - Tập thể dục rất tốt cho sức khỏe nhưng nếu tập trong thời gian dài, quá sức và thiếu khoa học có thể gây ra các biến cố tim mạch cấp tính như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ.

Chia sẻ tại hội nghị khoa học tim mạch vận động viên chuyên nghiệp diễn ra tại Hà Nội ngày 25/3, TS Võ Văn Giàu, khoa Y dược, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết hoạt động thể chất thường xuyên với cường độ thích hợp đã được chứng minh là một yếu tố độc lập trong việc ngăn ngừa, cải thiện các bệnh tim mạch ở các nhóm dân số khác nhau. Tập luyện thể dục, thể thao giúp tăng cường, duy trì sức khỏe, chống lão hóa, có tác dụng hữu ích trong việc ngăn ngừa sự xuất hiện của nhiều bệnh mãn tính bao gồm bệnh lý tim mạch. 

Cụ thể, duy trì hoạt động thể chất hằng ngày được báo cáo là làm tăng tuổi thọ thêm 8-10 năm và ngăn ngừa được các bệnh mãn tính so với lối sống ít vận động. 

Tập luyện thể dục, thể thao cường độ nhẹ, chẳng hạn như đi bộ nhanh có thể cải thiện đáng kể việc kiểm soát huyết áp ở những người bị tăng huyết áp, cải thiện một số thông số trao đổi chất và các yếu tố nguy cơ ở bệnh tiểu đường, có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm toàn thân mức độ thấp. 

Tập thể dục: Cố quá lại gây hại  - 1

Ảnh minh họa: R.W.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới việc ít hoạt động thể chất là một yếu tố chính góp phần gây tử vong toàn cầu. Đối với các nhóm đối tượng không hoạt động thể chất, khoảng 20% bị ung thư ruột kết và ung thư vú, khoảng 6% bị bệnh tim mạch vành và khoảng 7% mắc bệnh tiểu đường túyp 2… 

Ngược lại, theo TS Giàu, luyện tập thể dục, thể thao trong thời gian dài, quá sức và thiếu khoa học có thể gây ra các biến cố tim mạch cấp tính như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ. Một tuyên bố khoa học gần đây của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng chỉ ra hoạt động thể chất quá mạnh, đặc biệt khi được thực hiện bởi những người không khỏe mạnh, có thể làm tăng đáng kể nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp tính và đột tử ở những người nhạy cảm. 

PGS.TS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cũng cho biết tập thể dục nâng cao sức khỏe rất là tốt. Tuy nhiên nếu chúng ta không đảm bảo an toàn tập luyện thì có thể gây chấn thương, gây ra các bệnh lý tim mạch, hô hấp thậm chí là gây nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, xuất huyết não... 

Ông cho biết Bệnh viện từng tiếp nhận một số trường hợp bị đột tử trong khi đang đá bóng, vào viện cấp cứu thì đã ngừng tim, không thể cứu được. Đây đều là những thanh niên trẻ 30-40 tuổi, đá bóng nghiệp dư, có sẵn vấn đề về tim mạch nhưng không đi khám nên không biết.

Tập thể dục: Cố quá lại gây hại  - 2

PGS.TS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam (Ảnh: N.P)

Vì thế, PGS Kha khuyên người bình thường trước khi chơi thể thao nên kiểm tra thể lực, gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp… Nếu có vấn đề gì bất thường, người dân nên chọn môn tập và chọn khối lượng vận động phù hợp, nếu không có thể xuất hiện các tai biến. 

Bên cạnh đó, trước mỗi buổi tập cũng cần đánh giá tình trạng thể lực có đảm bảo để tập, thời gian bao nhiêu, khối lượng vận động bao nhiêu, điều kiện thời tiết có cho phép. Chẳng hạn, thời tiết lạnh quá, nóng quá, môi trường không thông khí thì không nên tập vì tập có thể gây cảm nóng, cảm nắng… 

"Người dân cũng cần chú ý xem điều kiện sân bãi có đảm bảo điều kiện để tập hay không; dụng cụ tập luyện có phù hợp với thể lực, tầm vóc hay không. Đồng thời, cũng chú ý dụng cụ bảo hộ- như nịt đầu gối, cổ tay, những bộ phận có nguy cơ chấn thương thì phải nịt…", PGS Kha nói. 

Đồng thời, chuẩn bị nước uống, dinh dưỡng bổ sung trong quá trình luyện tập nếu không sẽ bị kiệt sức, thiếu năng lượng; lưu ý khởi động trước tập, tập xong phải thả lỏng, hồi phục. Nếu thấy các dấu hiệu như: đau tức ngực, khó thở, nhanh mệt, huyết áp tăng, huyết áp tụt, huyết áp không tăng, mạch nhanh quá mức… phải đi khám ngay. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm