1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tạo phôi thai từ hai mẹ một cha

(Dân trí) - Các nhà khoa học của trường ĐH Sức khỏe & Khoa học Oregon đã tạo ra những phôi thai có gen của 1 nam và 2 nữ nhờ kỹ thuật kích thích với hy vọng một ngày nào đó sẽ giúp trẻ em thoát khỏi một số bệnh di truyền hiếm gặp.

  

Tạo phôi thai từ hai mẹ một cha


Các tác giả cho biết họ không dùng phôi thai để tạo ra những đứa trẻ và vẫn chưa rõ khi nào hoặc liệu kỹ thuật này có được áp dụng trong thực tiễn hay không. Nhưng nghiên cứu đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi về nguy cơ và đạo đức tại Anh - nơi mà các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu tương tự cách đây vài năm.

 

Các thử nghiệm tại Anh được báo cáo vào năm 2008 đã đưa ra khả năng là một ngày nào đó có thể xuất hiện những đứa trẻ được sinh ra bởi 2 mẹ và một cha.

 

Song ADN của người mẹ thứ 2 chỉ chiếm chưa tới 1% gen của phôi thai. Thủ thuật này đơn giản chỉ là cách thay thế một số gen khiếm khuyết - vốn phá hủy hoạt động bình thường của tế bào.

 

Các gen mà họ muốn thay thế không phải là loại mà mọi người thường nghĩ – có trong nhân của tế bào và tác động tới các đặc điểm như màu mắt và chiều cao.

 

Thay vào đó, các gen thay thế nằm ngoài nhân tế bào trong một cấu trúc sản sinh năng lượng gọi là ty lạp thể. Những gen này chỉ di truyền từ mẹ, chứ không phải từ cha.

 

Chính phủ Anh đang trưng cầu dân ý về kỹ thuật này trước khi quyết định có nên cho phép áp dụng chúng trong tương lai hay không. Một lo ngại đó là việc thay đổi ADN như vậy có thể là bước đầu tiên cho sự ra đời "những đứa trẻ theo thiết kế", sở hữu các đặc điểm theo đơn đặt hàng.

 

Những nghi vấn cũng tăng lên về độ an toàn của kỹ thuật, không chỉ đối với đứa trẻ ra đời từ phôi thai này mà còn với cả hậu duệ của nó.

 

Tháng 6 vừa qua, một nhóm nghiên cứu về đạo đức sinh học có ảnh hưởng ở Anh kết luận rằng kỹ thuật này có thể đủ tiêu chuẩn về đạo đức để ứng dụng trong thực tế khi nó được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Một hội đồng chuyên giaở Anh từng tuyên bố trong năm 2011 rằng chưa có bằng chứng về việc phương pháp này không an toàn nhưng họ kêu gọi cần nghiên cứu kỹ hơn về nó.

 

Trong vài năm trở lại đây, các nhà khoa học đã ghi nhận những thử nghiệm như vậy trong việc tạo ra các con khỉ khỏe mạnh và thử nghiệm ở phôi thai người cũng cho kết quả đáng khích lệ.

 

Kỹ thuật mới này - nếu một ngày nào đó được phê chuẩn sử dụng thường quy - sẽ cho ra đời một em bé thừa hưởng ADN nhân của mẹ nhưng không thừa hưởng ADN ty lạp thể.

 

Cứ 5.000 trẻ em thì có 1 trẻ bị bệnh di truyền do gen khiếm khuyết ty lạp thể.

 

Khiếm khuyết gen có thể gây ra nhiều bệnh hiếm với hàng loạt các triệu chứng, bao gồm đột quỵ, động kinh, sa sút trí tuệ, mù, điếc, suy thận và bệnh tim.

 

Anh Khôi

Theo NCA