Hoang mang "học nhiều để làm gì", nam sinh bị stress phải vào viện

Minh Nhật

(Dân trí) - Bệnh nhân luôn cảm thấy mình áp lực vì không biết "học nhiều để làm gì?". Cậu cố gắng học chỉ là để bố mẹ và thầy cô không buồn vì mình.

Stress vì không biết "học nhiều để làm gì"?

Một học sinh nam lớp 12 đến Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám vì mệt mỏi và gặp khó khăn trong học tập, tiếp thu kiến thức.

Theo chia sẻ, cậu học sinh này đang giai đoạn ôn thi quan trọng nhưng học lại không vào.

Hoang mang học nhiều để làm gì, nam sinh bị stress phải vào viện - 1

Bệnh nhân luôn cảm thấy mình áp lực vì không biết "học nhiều để làm gì?". Ví dụ như bệnh nhân cảm thấy môn toán có vô số công thức phức tạp, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, những người lớn như bố mẹ cậu lại chỉ sử dụng các phép tính cơ bản.

Chính vì suy nghĩ này, bệnh nhân giảm hứng thú trong học tập, luôn phải đấu tranh giữa việc cố gắng học tốt và học để làm gì.

Chính những đấu tranh đó, kết hợp với sự giáo huấn, mong muốn của bố mẹ làm bệnh nhân xuất hiện những ý tưởng và hành vi chống đối: nhiều khi làm ngược lại lời dạy, có những trò nghịch và trêu bạn bè hơi quá….

Thậm chí, có những lúc căng thẳng khó chịu quá, bệnh nhân đã tự cấu véo làm đau bản thân để tìm cảm giác dễ chịu hơn.

Gần đây, bệnh nhân thấy người mệt mỏi, giảm hứng thú nhiều hơn do vậy học tập không theo được guồng ôn thi của nhà trường. Điều này làm bệnh nhân chán nản, buồn chán, trở nên lo lắng, căng thẳng…

Tuy nhiên, càng không theo được việc học, bệnh nhân lại càng cố gắng học dù vẫn  không thể tự giải đáp "Học nhiều để làm gì?". Với cậu học sinh này, học chỉ là để bố mẹ và thầy cô không buồn vì mình… Thế nhưng càng học lại càng không vào.

Bệnh nhân tự ý thức được rằng, năng lực của mình lâu nay không kém. Do đó, việc gần đây học không vào khiến cậu nghĩ rằng não có vấn đề nên yêu cầu bố mẹ đưa đi khám.

Ngày càng nhiều học sinh bị stress, trầm cảm

Theo TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Rối loạn tâm thần liên quan đến stress, có một thực trạng đặc biệt nhấn mạnh là số lượng học sinh, sinh viên đến thăm khám các vấn đề stress, trầm cảm ngày càng nhiều. Đặc biệt, áp lực mùa thi càng làm trầm trọng hơn những vấn đề sẵn có ở các em học sinh và phát sinh thêm những vấn đề trước đây chưa có.

Hoang mang học nhiều để làm gì, nam sinh bị stress phải vào viện - 2

TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Rối loạn tâm thần liên quan đến stress chia sẻ về vấn đề stress tuổi học đường.

"Với trường hợp của cậu học sinh lớp 12 này, bệnh nhân đi khám vì nghĩ rằng não mình có vấn đề. Tuy nhiên, khi đến chúng tôi thăm khám mới phát hiện nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần", TS Tâm cho hay.

Theo chuyên gia này, chính vấn đề tâm lý xuất phát từ sự bế tắc trong việc trả lời câu hỏi "học để làm gì?", khiến bản thân bệnh nhân cảm thấy khó chịu và luôn muốn được giải tỏa.

"Để giải tỏa, cậu học sinh này tìm cách trêu bạn bằng những trò đùa hơi quá, đây vốn là hành vi mà trước đây cậu không hề có. Khi không trêu được bạn bè, cậu tự làm đau bản thân để giải tỏa", TS Tâm phân tích.

Stress và trầm cảm tuổi học đường hiện đang là một vấn đề hết sức nhức nhối. Trong một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương với đối tượng là học sinh 10 - 19 tuổi, do TS Tâm và học viên thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2020 đã cho thấy những con số đáng báo động:

Hoang mang học nhiều để làm gì, nam sinh bị stress phải vào viện - 3

TS Tâm thăm khám cho một bệnh nhân.

- 55,6% số trẻ tham gia nghiên cứu có sang chấn tâm lý (áp lực học tập 20%, áp lực gia đình 20,5%, quan hệ bạn bè trong trường 8,9%).

-  Stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, đây cũng là độ tuổi ôn thi chuyển cấp.

"Đáng chú ý, stress gặp nhiều hơn ở trẻ ngoan và học khá. Vì các bạn này nhận thức về áp lực nhiều hơn các bạn mải chơi, nhất là những áp lực vô hình như: sau này ra trường làm gì, áp lực làm hài lòng bố mẹ và đôi khi các bạn cũng cảm nhận được mong muốn của thầy cô, người khác và tự tạo áp lực cho mình phải hoàn thành nó", TS Tâm chia sẻ.