1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tăng số người bị đột quỵ do trời lạnh

Hà An

(Dân trí) - Thời tiết giá rét những ngày gần đây tại miền Bắc khiến số bệnh nhân bị đột quỵ tăng đột biến, trong đó có nhiều người trẻ tuổi. Đặc biệt, nhiều trường hợp đưa đến viện muộn, lỡ mất "thời gian vàng".

Tại Trung tâm cấp cứu (A9), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong tuần qua, số bệnh nhân đột quỵ cấp cứu tăng gấp đôi, chủ yếu chuyển đến từ các tuyến và xung quanh bệnh viện.

Tương tự, tại Bệnh viện E, mỗi ngày cấp cứu khoảng hơn 10 ca đột quỵ nhưng chỉ có khoảng bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong "thời gian vàng".

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Chi, Trung tâm cấp cứu (A9), Bệnh viện Bạch Mai, dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng trong những ngày lạnh giá vừa qua, bệnh nhân khám, điều trị, cấp cứu do đột quỵ tăng lên rõ rệt, trong đó nhiều người trẻ. Đáng chú ý có một tỉ lệ lớn bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị trong "thời gian vàng".

Một trong những yếu tố khách quan thúc đẩy chính là điều kiện thời tiết lạnh. Về bản chất nó không phải là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, nhưng tình trạng nhiễm lạnh đột ngột, thời tiết thay đổi liên tục lại làm tăng nguy cơ.

Tăng số người bị đột quỵ do trời lạnh - 1

Người bị đột quỵ cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong "thời gian vàng" để có kết quả hồi phục tốt nhất (Ảnh: P.N)

Theo PGS Chi, đột quỵ xảy ra trên nền các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ đái tháo đường, huyết áp cao, mỡ máu cao, bệnh lý nhịp tim, những người hút thuốc lá, những người thừa cân béo phì… Khi gặp thời tiết giá rét khắc nghiệt, những trường hợp này rất dễ gặp bất ổn về sức khỏe hoặc thậm chí chỉ việc quên dùng thuốc cũng làm cho các yếu tố nguy cơ càng khó kiểm soát.

Vì thế, bác sĩ khuyến cáo những người đã có sẵn bệnh nền mãn tính cần phải thực hiện nghiêm túc chế độ điều trị do bác sĩ hướng dẫn. Khi thấy những dấu hiệu bất thường như yếu một bên tay, nói khó, liệt mặt, thậm chí tiếp xúc chậm chạp cần đến bệnh viện cấp cứu ngay.

"Khi bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, cần đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn, không dùng bất cứ thuốc gì hay đồ uống gì. Lý do là có thể lúc đó bệnh nhân bị rối loạn nuốt, nếu cho bệnh nhân ăn, uống có thể bị sặc. Đồng thời nhanh nhất kết nối đơn vị y tế hoặc đơn vị vận chuyển cấp cứu 115 và hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân an toàn đến bệnh viện sớm nhất để tận dụng được "giờ vàng"", PGS Chi khuyến cáo.

"Thời gian vàng" trong đột quỵ não là cụm từ để nhấn mạnh rằng càng trì hoãn đột quỵ não thì càng có nhiều thiệt hại cho người bệnh. Tế bào não sẽ chết chỉ trong vài phút nếu không được cấp máu hoặc oxy. 

Đối với đột quỵ thiếu máu não, khi mạch máu lớn trong não bị tắc, cứ mỗi giây trôi qua có 32.000 tế bào não chết và cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não bị chết. Cứ mỗi giờ trôi qua, số tế bào não chết tương ứng mất đi 3,6 năm tuổi thọ của người bình thường (đó là trong trường hợp người bệnh may mắn sống sót). 

"Thời gian vàng" trong đột quỵ thiếu máu não là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông hoặc trong 6-8 giờ nếu lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não. Tuy nhiên, nếu người bệnh được điều trị càng sớm trong khoảng thời gian này thì cơ hội phục hồi, ít để lại di chứng càng cao. Ngược lại, nếu điều trị càng muộn trong "cửa sổ thời gian" này cơ hội phục hồi sẽ thấp đi. 

Những người có nguy cơ bị tai biến là: tăng huyết áp không được theo dõi và điều trị tốt, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, suy tim nặng, người ít vận động hoặc bị liệt (nguy cơ hình thành huyết khối), người có bệnh lý van tim hoặc theo dõi và dùng thuốc chống đông không đều...

Làm gì để phòng đột quỵ?

Để phòng bệnh đột quỵ người dân cần lưu ý:

- Duy trì hoạt động thể lực 

Trong thời tiết lạnh, người bệnh vẫn cần duy trì hoạt động thể lực. Tuy nhiên, cần chú ý có giai đoạn khởi động hợp lý, đặc biệt là giai đoạn làm nóng cơ thể, sau đó bỏ bớt đồ và duy trì các bài tập thường xuyên. Nếu trời mưa, rét đậm thì nên tập trong nhà, nếu muốn ra ngoài trời thì phải lưu ý giai đoạn khởi động trước khi tập và làm nguội sau khi tập, quá trình điều hòa để cơ thể ổn định sau đó mới kết thúc bài tập. Không nên tập thể dục ngoài trời trước 6h30 sáng để tránh bị nhiễm lạnh.

- Giữ ấm khi đi ra ngoài đường, mặc áo nhiều lớp mỏng để giữ thân nhiệt ổn định, có thể dễ dàng cởi ra lúc nóng, thích hợp thời điểm thời tiết thay đổi. Chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực và bàn chân.

- Ăn uống đủ chất, bớt rượu bia, ăn nhạt… để tăng sức đề kháng, sinh hoạt điều độ, lựa chọn những thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng phải dễ tiêu hóa. 

- Uống đủ nước để quá trình chuyển hóa, trao đổi chất không bị ngưng trệ. 

- Tránh đi ra ngoài vào ban đêm và thay đổi tư thế đột ngột, tránh gió lùa. Khi ngủ dậy cần ra khỏi giường một cách từ từ, đồng thời mặc đủ quần áo ấm. Không nên dậy vào lúc 4-5 giờ sáng vì lúc đó huyết áp hay tăng.

- Uống thuốc đầy đủ 

Với bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp thì đảm bảo uống thuốc đầy đủ, có gì bất thường thông báo với bác sĩ để được xử lý kịp thời. Chú ý đo huyết áp thường xuyên, ít nhất 2 lần mỗi ngày, mỗi lần cách nhau 10-15 phút, đo khi nghỉ ngơi.