1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hai điều cần tuân thủ để phòng đột quỵ khi thời tiết lạnh

Tú Anh

(Dân trí) - PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội đông Y Việt Nam cảnh báo, thời tiết lạnh là yếu tố tác động hàng đầu của đột quỵ não. Việc kiểm soát các bệnh lý mãn tính, kiểm soát lạnh rất quan trọng.

Cảnh báo những dấu hiệu bất thường

Bên lề Hội nghị khoa học toàn quốc Phòng, chống đột quỵ não bằng đông-tây y kết hợp do Hội Đông y Việt Nam tổ chức ngày 28/12, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cho biết, trong thời điểm lạnh như hiện nay, bệnh đột quỵ não có xu hướng gia tăng. Vấn đề làm sao để người dân nhận biết dấu hiệu sớm nhất để đến viện, và chủ động phòng căn bệnh nguy hiểm này.

Hai điều cần tuân thủ để phòng đột quỵ khi thời tiết lạnh - 1

Trong những ngày trời lạnh, nguy cơ đột quỵ gia tăng (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Theo PGS Cảnh, mỗi người cần chú ý đến những dấu hiệu tưởng rất bình thường. Ví như đang ăn cơm bỗng dưng rơi đũa, tay cảm giác cứng cứng; Sáng ngủ dậy vẫn súc miệng như ngày thường, bỗng dưng hôm nay lại có nước chảy ra ngoài, ngậm miệng khó... đừng chủ quan, hãy đến viện ngay bởi đó hoàn toàn có thể là biểu hiện thoáng qua của đột quỵ, nhất là ở người lớn tuổi, người có các bệnh nền kèm theo.

Ngoài ra, cũng có những người đột quỵ rất nguy hiểm, người đang khỏe mạnh bỗng đột ngột hôn mê. Tuy nhiên, nếu đến viện sớm, trong thời gian vàng, cơ hội cứu sống là rất lớn, giảm tử vong, giảm nguy cơ tai biến.

"Giai đoạn cấp cứu này, tây y có vai trò rất quan trọng, giúp cứu sống người bệnh, giảm nguy cơ biến chứng. Còn ở giai đoạn phục hồi sau đó, đông y, phục hồi chức năng lại có vai trò không thể thiếu. Sự kết hợp giữa y học hiện đại và đông y giúp người bệnh đột quỵ nhanh hồi phục toàn diện, trở về cuộc sống bình thường", PGS Cảnh nói.

Cụ thể, sau đột quỵ, nhiều bệnh nhân có các di chứng như liệt nửa người, liệt tay chân, liệt mặt, nói khó, biểu hiện sa sút trí tuệ cần điều trị phục hồi, y học cổ truyền với sự kết hợp các liệu pháp như dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp…giúp người bệnh nhanh hồi phục.

Kiểm soát yếu tố nguy cơ

Theo PGS Cảnh, có nhiều nguy cơ gây đột quỵ não, trong đó những người mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… không được kiểm soát là có nguy cơ cao nhất. Bên cạnh đó các yếu tố hút thuốc lá, stress... là những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ.

Đặc biệt, trong thời tiết giá lạnh, rét tăng cường như hiện nay là yếu tố tác động hàng đầu làm đột quỵ não xuất hiện.

"Trong thời điểm lạnh như hiện nay, để phòng đột quỵ não, mỗi người cần kiểm soát tốt các bệnh mãn tính và cần chống nhiễm lạnh. Hãy lưu ý nguy cơ nhiễm lạnh vì mặc không đủ ấm, tắm lâu, tắm nơi không kín gió. Kiểm soát được nhiễm lạnh sẽ góp phần ngăn ngừa phòng chống đột quỵ não", PGS Cảnh khuyến cáo.

Theo GS.TS Cao Minh Châu, Tổng thư ký Hội hồi phục chức năng Việt Nam, phục hồi chức năng giai đoạn cấp góp phần phục hồi và tiên lượng tốt cho người bệnh đột quỵ. 

Cùng quan điểm này, PGS.TS Võ Trường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam đánh giá, liệu pháp vận động, còn gọi là luyện tập thể dục thể thao, hoạt động thể chất, vật lý trị liệu-phục hồi chức năng đã được nghiên cứu áp dụng thông qua các bài tập khí công, dưỡng sinh, thái cực quyền, bài tập thể dục thể thao, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng tại các sơ sở y tế.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đột quỵ não là một hội chứng lâm sàng được đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng biểu hiện tổn thương của não (thường là khu trú), tồn tại trên 24 giờ hoặc bệnh nhân tử vong trước 24 giờ. Những triệu chứng thần kinh khu trú phù hợp với vùng não do động mạch bị tổn thương phân bố, loại trừ nguyên nhân chấn thương.

Đột quỵ não là nguyên nhân dẫn tới tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới sau ung thư và tim mạch và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế.

Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Khi đó, não bị thiếu oxy, thiếu dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

Tại Việt Nam mỗi năm ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ và ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mắc căn bệnh này.

Đột quỵ có thể xảy ra với bất cứ ai, bất kể thời gian, không gian nào. Có người bị đột quỵ khi đang đi máy bay, đang làm việc, hay đang chơi thể thao. Nếu không được can thiệp kịp thời, di chứng của đột quỵ để lại nặng nề, khiến người bệnh tàn phế, liệt, nằm trên giường bệnh

Với đặc thù hay xảy ra vào mùa lạnh và khi thời tiết thay đổi đột ngột. Việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ gồm điều trị tốt các bệnh mãn tính, ngăn ngừa nhiễm lạnh sẽ giúp phòng ngừa đột quỵ.