Cà Mau:
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết
(Dân trí) - Trước tình hình “nóng” của dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết đang xảy ra, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Y tế và các địa phương tăng cường giám sát, theo dõi “điểm nóng” dịch bệnh để chủ động trong công tác phòng, chống.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, dịch bệnh do vi rút Zika ngày càng có nhiều bằng chứng liên quan đến các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Dịch bệnh này đang là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại trên toàn cầu. Đặc biệt, muỗi truyền bệnh do vi rút cũng chính là muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết hiện đang lưu hành phổ biến tại Việt Nam. Dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, nguy cơ bùng phát dịch trong mùa mưa năm 2016 là rất lớn.
Trước nguy cơ trên và để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết, Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh, nhất là địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch, ổ dịch cũ và “điểm nóng” dịch bệnh.
Khẩn trương thực hiện ký cam kết giữa Giám đốc Sở Y tế và các địa phương để triển khai phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết” do Bộ Y tế phát động.
Thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng tối thiểu 3 lần vào các tháng cao điểm tại các khóm, ấp, xã, phường và các điểm nóng có nguy cơ dịch bùng phát, đặc biệt chiến dịch lần thứ nhất phải tiến hành sớm ngay từ trước mùa mưa.
Yêu cầu tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả đường dây nóng giữa hệ điều trị và dự phòng trong phối hợp xử lý dịch kịp thời, hỗ trợ chuyên môn cho y tế cơ sở,…
Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu các địa phương thành lập Đội xung kích chống dịch tại mỗi khóm, ấp để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ xử lý ổ dịch trên địa bàn.
Vận động cộng đồng cùng thực hiện mô hình phòng, chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết chủ động và bền vững như: đậy kín hoặc thả cá vào dụng cụ chứa nước loại bỏ nơi sinh sản của muỗi trong và chung quanh nhà bằng cách lật úp các dụng cụ không sử dụng, thu dọn các vật phế thải như chai lọ, lớp xe, vỏ dừa,… Mỗi khóm, ấp thực hiện mô hình nuôi cá lia thia, cá bảy màu ăn lăng quăng, với chỉ tiêu tối thiểu 3 hồ (bồn) cá/100 hộ dân.
Yêu cầu các trường học phối hợp các Trạm y tế tăng cường công tác tuyên truyền đến học sinh, sinh viên vận động gia đình thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng.
Huỳnh Hải