1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tăng chi bảo hiểm y tế, ngân sách mất thêm 10.000 tỷ đồng/năm

(Dân trí) - Những đề xuất về việc tăng mức chi trả bảo hiểm y tế nhận nhiều đồng thuận của UB Thường vụ Quốc hội nhưng cũng không ít ý kiến “can gián” vì lo ngại khả năng việc tăng chi gây áp lực, nguy cơ vỡ ngân sách nhà nước.

Thẩm tra dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế tại UB Thường vụ QH chiều 11/9, về đề xuất quy định bắt buộc mua BHYT, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai “gật đầu” đồng ý. Cụ thể, theo hướng này, từ năm 2014, nhà nước sẽ tạo cơ chế để áp dụng nguyên tắc bắt buộc tham gia BHYT.

Bà Mai phân tích thêm, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chỉ có áp dụng nguyên tắc bắt buộc thì mới thực hiện thành công BHYT toàn dân. Áp dụng nguyên tắc bắt buộc trong lần sửa luật này sẽ đảm bảo thực thi quy định về BHYT hiện hành tốt hơn.

Về mức hưởng BHYT, với đối tượng người nghèo, một số ý kiến tán thành hướng thay đổi mà Chính phủ trình là bỏ quy định cùng chi trả 5% với hộ nghèo; hạ tỷ lệ cùng chi trả với hộ cận nghèo, thân nhân người có công, đồng bào dân tộc thiểu số từ 20% xuống 5%.

Nhóm ý kiến khác trong thường trực UB Các vấn đề xã hội lại cho rằng cùng chi trả là biện pháp chống lạm dụng quỹ BHYT được áp dụng ở tất cả các nước. Vì vậy, nên cân nhắc kỹ về quy định mức cùng chi trả với hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công.

Thực tế thời gian qua, việc thực hiện cùng chi trả đã dần ổn định, góp phần cho việc chống lạm dụng quỹ BHYT và bảo đảm an toàn quỹ, mặt khác cần phải đảm bảo sự công bằng về mức hưởng thụ BHYT giữa người nghèo, thân nhân người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo. Nhóm ý kiến này ủng hộ quan điểm giữ mức cùng chi trả 5% với nhóm đối tượng này.

Thường trực cơ quan thẩm tra nghiêng về nhóm ý kiến thứ 2 này. Tuy nhiên, để khắc phục việc người nghèo khó khăn khi cùng chi trả 5%, Chủ tịch Trương Thị Mai gợi ý quy định theo hướng 5% này sẽ do Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo hỗ trợ cùng chi trả để tránh lạm dụng quỹ BHYT.
Tăng chi bảo hiểm y tế, ngân sách mất thêm 10.000 tỷ đồng/năm
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng không xảy ra khả năng vỡ ngân sách khi tăng mức chi trả BHYT.

Mức tối đa cùng chi trả khám chữa bệnh BHYT với các đối tượng khác cũng có 2 ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo do Chính phủ trình, đó là quy định mức cùng chi trả tối đa/năm và gắn với số năm tham gia BHYT liên tục, khi vượt quá mức này thì người bệnh không phải thực hiện cùng chi trả. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ như quy định hiện hành.

Thường trực UB Các vấn đề xã hội phân tích, hiện nay dịch vụ kỹ thuật y tế và thuốc ngày càng hiện đại, hiệu quả nhưng giá cả cũng cao hơn nhiều. Vì vậy, bệnh nhân BHYT thuộc diện cùng chi trả 20% chi phí cũng phải trả nhiều tiền hơn. Lo ngại khả năng nếu số cùng chi trả quá lớn, vượt khả năng của bệnh nhân thì BHYT sẽ mất ý nghĩa bảo vệ trong trường hợp rủi ro, cơ quan thẩm tra vẫn nhất trí với hướng quy định về mức cùng chi trả tối đa một năm để giúp bảo vệ tốt hơn số bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, gặp khó khăn trong điều trị bệnh, giúp họ không rơi vào vòng luẩn quẩn đói nghèo.

Về việc thanh toán bảo hiểm trong trường hợp bệnh nhân khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyền, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cũng tán thành đề xuất của Chính phủ, quy định quỹ bảo hiểm sẽ chi trả tất cả các trường hợp này với các ca bệnh điều trị nội trú. Còn người đi khám ngoại trú thì quỹ chỉ chi trả một số bệnh do Bộ Y tế quy định.

Luật hiện hành đang cho phép quỹ BHYT chi trả bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến (cả nội, ngoại trú) theo mức 70%, 50%, 30% (tùy tuyến bệnh viện). Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện quy định này, tình trạng vượt tuyến tăng nhanh, từ 3 triệu lượt năm 2010 lên 9,5 triệu năm 2011 và 11,6 triệu lượt năm 2012. Đồng thời, các bệnh viện tuyến TƯ do thực hiện tự chủ và chủ yếu thanh toán theo cơ chế phí dịch vụ nên nhiều bệnh viện nhận điều trị cả loại bệnh thông thường để tăng nguồn thu cho bệnh viện, gây ra tình trạng quá tải (nhiều nơi là quá tải ảo).

Quy định về trái tuyến, vượt tuyến cũng làm phát sinh cơ chế xin/cho để được chuyển viện ở các bệnh viện tuyến dưới. Bên cạnh đó, cũng cần phải lưu ý đến quyền của người có thẻ BHYT, khi có bệnh muốn được hưởng  dịch vụ y tế tin cậy hơn, dù phải cùng chi trả nhiều hơn.

Thảo luận về nội dung còn nhiều ý kiến trái chiều nhất là về đề xuất hạ tỷ lệ cùng chi trả với hộ cận nghèo, thân nhân người có công, đồng bào dân tộc thiểu số từ 20% xuống 5%, thứ trưởng Tài chính Nguyễn Thị Minh nêu lo ngại việc tăng chi này sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách. Bà Minh tính toán, nếu thực hiện phương án này, dự kiến ngân sách sẽ phải tăng chi 8.000-10.000 tỷ đồng/năm.

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng thông tin thêm, ngân sách hiện hỗ trợ 45% cho tổng nguồn BHYT, tức trong tổng chi 35 ngàn tỉ đồng, ngân sách chi 15 ngàn tỉ đồng/năm. Nếu tăng thêm 10 ngàn tỉ không đơn giản. Đánh giá mức dư quỹ hơn 5 ngàn tỉ hiện nay mong manh, ông thiết tha đề nghị tính toán lại cụ thể trong đó tính tới lộ trình tăng dân số, thu nhập, thậm chí tỉ lệ nghèo có xu hướng tăng lên.

Dù ủng hộ việc tăng mức chi trả bảo hiểm nhưng ông Hiển khuyến cáo việc áp dụng cần có lộ trình vì nếu đi nhanh, từ năm 2014, ngân sách sẽ rất khó khăn.

“Gạt” những lo lắng này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, khi xem xét ký thông tư sàng lọc các loại bệnh được chi trả BHYT, bản thân bà đã dứt khoát không đồng ý đưa những loại bệnh không hợp lý như lác, cận thị, khám sức khỏe định kỳ... Bởi nếu bao hết cả những bệnh không quá phức tạp như vậy sẽ dẫn đến vỡ quỹ bảo hiểm.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai cũng quả quyết không xảy ra khả năng vỡ ngân sách vì tổng chi bảo hiểm tăng nhưng đầu tư trực tiếp cho cơ sở y tế giảm dần, chuyển sang chi trực tiếp cho đối tượng BHYT. Bà Mai khẳng định, luật có hợi hơn cho dân, khuyến khích càng nhiều người dân tham gia đóng bảo hiểm, càng chia sẻ rủi ro bớt đi cho quỹ BHYT. Bên cạnh đó phải phân cấp về địa phương, nâng cấp cung ứng dịch vụ tốt hơn, đa dạng hóa mức chi trả hàng ngàn dịch vụ y tế....là cơ sở để thực hiện tăng chi BHYT.

Dự luật này sẽ được chỉnh lý trước khi trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp cuối năm nay.

P.Thảo