Tân dược giả “bủa vây” người bệnh

Theo viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, các loại thuốc bị làm giả phần nhiều là tân dược, như: Tanganil điều trị chóng mặt; Mobic điều trị bệnh lý về xương, khớp, cột sống; Cota xoang trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng; Sibelium dự phòng đau nửa đầu, điều trị chứng chóng mặt; Neo-Codion trị ho...

Ngay cả các thuốc đặc trị, phải sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ cũng bị làm giả như Vastarel điều trị dự phòng đau thắt ngực, Dogmatil trị lo âu và rối loạn hành vi...

 

Thuốc giả tràn ngập trên thị trường. Ảnh: nghean.gov.vn

Thuốc giả tràn ngập trên thị trường. Ảnh: nghean.gov.vn

 

Sáng 30/5, tại hội thảo khoa học về phòng ngừa, chống sản xuất thuốc tân dược và rượu giả tại Việt Nam diễn ra ở Hà Nội, đại tá Trần Đức Vĩnh, phó cục trưởng cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) đã đề xuất thành lập quỹ đấu tranh chống hàng giả. Quỹ này sẽ được đóng góp từ nhiều nguồn nhằm tạo kinh phí cho việc đấu tranh chống sản xuất và buôn lậu hàng giả, đặc biệt là thuốc giả. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất. Để ra đời được quỹ này sẽ mất nhiều thời gian trong khi hàng ngày, hàng giờ người bệnh vẫn đang phải trả giá vì những viên thuốc tân dược giả khó có thể phát hiện ngoài thị trường.

 

Vào đầu tháng 5 năm nay, công an TPHCM đã chuyển hồ sơ sang viện Kiểm sát đề nghị truy tố hai cá nhân tên là Ngân và Phương về hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả. Hai cá nhân này đã bị bắt quả tang đang phân phối một lượng thuốc giả lớn tại bốn địa điểm khác nhau. Hàng ngàn sản phẩm thuốc giả đã được thu giữ. Cả hai đối tượng này bắt đầu sản xuất thuốc giả từ tháng 2/2012, bằng cách mua các loại tân dược đóng trong chai nhựa sản xuất trong nước với giá rẻ, sau đó cho vào chai khác, dán nhãn giả thuốc chữa bệnh rồi đưa đi tiêu thụ tại các nhà thuốc trên địa bàn hoặc bán sỉ cho những người buôn thuốc tây với giá cao.

 

Ngoài ra, ông Nguyễn Phi Hùng, cục trưởng cục Điều tra chống buôn lậu, tổng cục Hải quan cho biết, tân dược giả còn nhập vào Việt Nam qua những con đường và thủ đoạn rất tinh vi. Các đối tượng lợi dụng thủ tục hải quan đã trà trộn hàng thật với hàng giả để chuyển hàng giả vào trong nước.

 

“Thời gian gần đây, hàng giả đã thẩm lậu vào thị trường nội địa qua các khu kinh tế cửa khẩu, cửa hàng miễn thuế, kho ngoại quan hoặc các khu tạm nhập tái xuất”, ông Hùng nói.

 

Ngoài việc nhập lậu và sản xuất, bộ Y tế cho biết nhiều doanh nghiệp sản xuất tân dược trong nước cũng sản xuất các loại thuốc kém chất lượng, chất lượng không được như công bố, đây cũng được coi là một hành vi sản xuất thuốc tân dược giả. Theo ông Nguyễn Việt Hùng, phó cục trưởng, cục Quản lý dược, bộ Y tế, trong năm 2012, tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng là 3,09% số mẫu được kiểm tra, tăng khoảng 0,2% so với năm 2011. Tỷ lệ thuốc giả được phát hiện chiếm 0,1%, tăng hơn so với năm 2011.

 

Hiện nay việc chống sản xuất và buôn bán tân dược giả do nhiều cơ quan quản lý: bộ Công an, tổng Cục hải quan, cơ quan quản lý thị trường, bộ Y tế… Tuy nhiên từng này lực lượng cũng khó quản lý được thị trường tân dược.

 

Ông Nguyễn Việt Hùng, phó cục trưởng, cục Quản lý dược cho biết, do kinh doanh tân dược siêu lợi nhuận nên các cửa hàng bán lẻ thuốc sẵn sàng nhập từ những đơn vị không được phép sản xuất, kinh doanh tân dược. Hầu hết tân dược giả đều có mẫu mã bao bì và hình thức các viên nén hoặc chai thuốc giống như thuốc thật nhưng qua kiểm tra thì hàm lượng hoạt chất chữa bệnh rất ít hoặc không có. Trong khi đó, do thiếu nhân lực nên việc kiểm soát các cơ sở bán lẻ là rất khó khăn.

 

Theo Lê Phượng

Sài Gòn tiếp thị