Tạm ngừng sử dụng vắc xin viêm gan B của Hàn Quốc

(Dân trí) - Sau khi thêm <a href=" http://www11.dantri.com.vn/suckhoe/2007/5/178337.vip"> một bé tử vong do tiêm vắc xin phòng viêm gan B </a>, Bộ y tế đã có công văn khẩn về việc ngưng sử dụng loại vắc xin này ở Việt Nam và số trẻ đã tiêm từ ngày 3/5/2007 đến nay phải được theo dõi. Dưới đây là cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng Quốc gia về vấn đề này.

Thưa ông, chỉ trong vòng hơn 10 ngày đã xảy ra tới 4 vụ tai biến do tiêm vắc xin viêm gan B (trong đó có 3 trường hợp bị tử vong) khiến nhiều người dân vô cùng hoang mang, ông đánh giá như thế nào về những rủi ro này?

 

Trước hết, tôi khẳng định, đây là một điều bất bình thường. Vì ở chỗ, chỉ trong một thời gian ngắn có tới 4 trường hợp tai biến, trong đó 3 trường hợp tử vong. Hơn nữa, nếu tính về tỷ lệ tai biến trong tiêm phòng vắc xin cho thấy tỷ lệ tai biến ở các trường hợp này là khá cao. Theo thống kê, cứ khoảng 1 triệu trường hợp tiêm thì có khoảng dưới 1 trường hợp sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin.

 

Như vậy, tổng số của 2 lô vắc xin dùng để tiêm cho 4 cháu bé này là 600 - 700.000 liều mà đã có tới 4 trường hợp tai biến. Ngay sau khi xảy ra vụ tai biến đầu tiên tại Hà Tĩnh, Bộ Y tế, Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã có quyết định ngừng sử dụng lô vắc xin này.

 

Vậy tại sao sau đó lại xảy ra trường hợp tai biến ở Thanh Hóa cũng cùng với lô vắc xin này, thưa ông?

 

Ngay sau ngày xảy ra sự cố tại Hà Tĩnh, PGS.TS Phạm Ngọc Đính, Viện phó Viện vệ sinh dịch tễ đã vào Hà Tĩnh để phối hợp với ngành y tế của Hà Tĩnh và Viện kiểm nghiệm  quốc gia tiến hành lấy mẫu kiểm định. Bước đầu có kết luận, những cán bộ y tế thực hành việc tiêm chủng tại đó người ta đã thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế ban hành. Ngay sau đó, dù chưa xác định nguyên nhân đã quyết định ngừng sử dụng lô vắc xin này. Nhưng đến ngày 4/5/2007, tại Thanh Hoá cũng có một trường hợp phản ứng nặng sau khi sử dụng chính lô vắc xin nói trên dù lô thuốc này đã có quyết định tạm ngừng. Có thể do thông tin đến với họ hơi muộn.

 

Cách phòng bệnh tốt nhất cho trẻ vẫn là tiêm phòng vắc xin.

 

Việc tiêm bất cứ thuốc gì vào cơ thể, từ kháng sinh, vitamin đến chủng ngừa đều có một tỉ lệ tai biến nhất định. Đây là những phản ứng đáng tiếc xảy ra ngoài mong muốn.

 

Trên thực tế, lợi ích từ tiêm chủng là rất lớn. Vậy nên các bậc cha mẹ cần cho con tiêm đầy đủ các mũi cần thiết để bảo vệ sức khỏe của trẻ.

 

PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển

Vậy có thể bước đầu nhận định các vụ tai biến là do các lô vắc xin viêm gan B của hãng LG là bất bình thường?

 

Trước việc liên tục xảy ra các ca tai biến do vắc xin viêm gan B của hãng LG sản xuất, chiều qua (9/5), chúng tôi đã có cuộc họp với Cục Y tế Dự phòng, Cục Dược, Viện VSDTTƯ, Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm (Bộ Y tế). Theo nhận định ban đầu của chúng tôi, những ca tai biến này có thể là do bất thường liên quan đến tiêm vắc xin viêm gan B do LG cung cấp. Vì vậy, trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung tiến hành đánh giá xác định nguyên nhân của các trường hợp tử vong.

 

Dù chưa biết chính xác nguyên nhân do sự cố gì nhưng vì an toàn cho trẻ phải ngừng toàn bộ các lô vắc xin viêm gan B do hãng LG Hàn Quốc sản xuất có tại Việt Nam (kể cả những lô trong kho chưa kịp phân bổ).

 

Thưa ông, việc ngừng sử dụng vắc xin của hãng LG có làm ảnh hưởng đến việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh?

 

Vắc xin viêm gan B của LG được nhập vào VN vào cuối năm 2004. Tính đến nay Việt Nam đã nhập khoảng trên 9 triệu liều và đã sử dụng khoảng 7 triệu liều. Tuy chúng ta đã sử dụng 7 triệu liều nhưng chưa xảy ra tai biến gì đặc biệt. Nói vậy không có nghĩa là các lô vắc xin sau lại đảm bảo an toàn. Vì thế, khi xảy ra sự cố liên tiếp, chúng tôi buộc phải cho tạm ngừng loại vắc xin này để đảm bảo an toàn cho trẻ.

 

Chắc chắn việc tạm ngừng sử dụng vắc xin viêm gan B do hãng LG Hàn Quốc sản xuất sẽ làm cộng đồng thiếu vắc vin. (Vì vắc xin viêm gan B chủ yếu từ nguồn viện trợ chiếm tới 70 - 80%). Tạm  ngừng sử dụng, chắc chắn cộng đồng sẽ thiếu vắc xin.

 

Trước mắt, chúng tôi sẽ cho sử dụng số vắc xin viêm gan B còn lại do Việt Nam sản xuất để phân bổ ra toàn quốc. Tuy nhiên do số lượng hạn chế nên chỉ ưu tiên sử dụng cho những trẻ tiêm nhắc lại.

 

 Dự kiến số vắc xin viêm gan B do Việt Nam sản xuất có trên 1,5 triệu liều. Vì vậy, để không xảy ra hiện tượng thiếu vắc xin kéo dài, hiện chúng tôi đang xin ý kiến của Bộ Y tế để thông báo chính thức với WHO, đồng thời tăng cường đẩy mạnh tìm nguyên nhân gây tai biến.

 

Nếu không phải do vắc xin, chúng tôi sẽ cho sử dụng lại và rà soát chặt ở các khâu khác trong tiêm chủng. Còn nếu vắc xin này có vấn đề, chúng tôi sẽ đề nghị hãng sản xuất, các tổ chức quốc tế có những phương án giúp đỡ Việt Nam.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Hồng Hải

  

Sáng ngày 10/5/2007, các hoạt động tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương vẫn bình thường, ở khoa sản lầu 1, nhiều người đang cho trẻ tắm nắng buổi sáng. Khi được hỏi về chị Lâm Thị Ngọc và sự kiện đứa con sơ sinh của chị bị tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B, hầu hết các người nhà cũng như các sản phụ đều không biết gì cả.

 

Có vài người cho biết có nghe phong phanh sự việc 2 bé sơ sinh mất ở miền Trung nhưng không biết chính xác tỉnh nào, riêng vụ chị Ngọc thì họ không biết gì, chị nằm phòng nào, giờ ở đâu, ngay cả việc ngưng tiêm phòng loại vắc xin gây tai biến họ cũng không biết gì.

 

“Ở đây kêu tiêm phòng thì chỉ biết là được tiêm phòng nhưng không biết có tiêm loại thuốc đó không (vắc xin viêm gan B)”, một người chồng nuôi vợ sinh đã nói thế.

 

Trong khi đó Bác Sĩ Nguyễn Phi Hùng - Phó GĐ bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: “Chị Ngọc đã xin về quê ở Sóc Trăng rồi không còn ở đây”

 

Chúng tôi hỏi tiếp về thi hài của con chị Ngọc giờ ra sao, chị Ngọc có đem con về quê chôn cất không?. Sau một lúc ngần ngừ BS Nguyễn Phi Hùng tiết lộ: “ Em bé đã được bệnh viện chôn cất”, sau đó ông từ chối trả lời các câu hỏi khác.

Tại Sở y tế TPHCM, Bác sĩ Lê Hoàng Sơn - Phó phòng nghiệp vụ Sở Y Tế TPHCM cho biết: “Cho đến giờ (10h30), chưa có một báo cáo nào mới liên quan đến vaccine viêm gan B của Hàn Quốc gởi về Sở”.

Ngọc Thanh