1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tài xế chở lợn nhiễm "vi khuẩn ăn thịt" nguy hiểm

Trương Nguyễn

(Dân trí) - Nam tài xế 41 tuổi tại Đắk Lắk được phát hiện mắc bệnh Whitmore, sau khi có các triệu chứng sốt, đau tức vùng lưng.

Ngày 5/4, thông tin từ Sở Y tế Đắk Lắk, trên địa bàn vừa ghi nhận một trường hợp nam tài xế mắc bệnh Whitmore.

Theo đó, vào ngày 30/3, anh P.Đ.V. (41 tuổi, trú phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột) đã đến Bệnh viện Y dược Buôn Ma Thuột thăm khám sau khi bản thân có triệu chứng sốt, đau tức vùng lưng. Tại đây, bệnh nhân V. được lấy mẫu xét nghiệm.

Tài xế chở lợn nhiễm vi khuẩn ăn thịt nguy hiểm - 1

Nam tài xế nhiễm khuẩn Whitmore chưa rõ yếu tố dịch tễ (Ảnh minh họa: Internet)

Đến ngày 4/4, bệnh nhân V. có kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (bệnh Whitmore). Cùng ngày bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị với chuẩn đoán áp xe lách, nhiễm khuẩn hệ tiết niệu.

Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng 20 ngày trước, bệnh nhân V. lái xe tải chở lợn từ Đắk Lắk đi Hà Nội và ngược lại, có dừng nghỉ ở nhiều nơi nên không rõ yếu tố dịch tễ.

Sau khi ghi nhận ca bệnh, ngành y tế Đắk Lắk đã tiến hành điều tra ca bệnh và hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường, đồng thời yêu cầu Trạm Y tế phường Tân Lợi theo dõi tình hình dịch bệnh tại địa bàn.

Đây là trường hợp mắc bệnh Whitmore đầu tiên tại Đắk Lắk trong năm nay.

Whitmore tuy là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao. 

Bệnh do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh gây hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da và làm suy yếu hệ miễn dịch nhanh chóng, lây qua vết thương lở loét nên còn được gọi là "vi khuẩn ăn thịt".

Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm