Bệnh nhi bị "vi khuẩn ăn thịt" tấn công
(Dân trí) - Tối 11/9, Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hóa cho biết đơn vị đang điều trị một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore (hay còn gọi là bệnh vi khuẩn ăn thịt người).
Bệnh nhân là N.T.A. (15 tuổi), trú xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương, khoảng 14h30 ngày 7/9, đơn vị này nhận được thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa về trường hợp bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (bệnh Whitmore).
Qua kiểm tra yếu tố dịch tễ và diễn biến bệnh, cơ quan chức năng xác định trong vòng 30 ngày qua, bệnh nhân không đi đâu khỏi địa phương, ở cùng với gia đình, gồm bố mẹ và anh trai tại xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương.
Gia đình bệnh nhân ở khu nhà khép kín, không chăn nuôi, không làm nông nghiệp nên chưa rõ tiền sử bệnh nhân có tiếp xúc với môi trường gây bệnh liên quan đến vi khuẩn Whitmore; trên cơ thể bệnh nhân chưa phát hiện các vết trầy xước da.
Từ ngày 22/8 đến ngày 30/8, bệnh nhân có biểu hiện đau họng, ho, sốt cao, uống nhiều nước, sụt cân (7kg/10 ngày), bệnh nhân tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ.
Ngày 1/9, gia đình đưa bệnh nhân đến Phòng khám An Phúc (xã Tiên Trang) khám và lấy thuốc theo đơn về điều trị, nhưng bệnh vẫn không đỡ. Bệnh nhân ngày càng nặng với biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, ăn uống kém, được người nhà đưa đến Bệnh viện 71 Trung ương khám và điều trị với lý do sốt nóng từng cơn, nhiệt độ dao động 39-40⁰C, người mệt mỏi.
Tại đây, bệnh nhân được làm các xét nghiệm cơ bản có chỉ số đường huyết cao, đi tiểu tiện không tự chủ, co giật toàn thân 2 cơn, mỗi cơn kéo dài 5-10 phút.
Ngày 4/9, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa với tình trạng hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng, thở oxy, đường thở tăng tiết đờm, chảy máu chân răng, thở nấc, đồng tử 2 bên 3mm, nhịp tim không đều, nhanh, có nhịp ngoại tâm thu, phổi thông khí 2 bên giảm...
Các xét nghiệm bạch cầu, hồng cầu, định lượng Pro-calcitonin máu đều tăng cao; xét nghiệm cấy máu kết quả có vi khuẩn gây bệnh Brukholderia pseudomallei (vi khuẩn gây bệnh Whitmore).
Sau khi có kết quả xét nghiệm, Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương đã tổ chức điều tra, phân tích về dịch tễ trường hợp mắc bệnh Whitmore, phân tích nguy cơ và các biện pháp phòng, chống bệnh Whitmore; giám sát các trường hợp liên quan, vệ sinh môi trường khu vực xung quanh nhà bệnh nhân.
Đồng thời chỉ đạo Trạm Y tế xã Tiên Trang phối hợp với chính quyền xã truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống; đưa các trường hợp nghi ngờ bị mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị, đặc biệt chú ý đối với các đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh Whitmore.
Trước đó, tháng 11/2022, tại Thanh Hóa đã có 2 bệnh nhân mắc Whitmore.
Whitmore tuy là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao.
Bệnh do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp.