1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tại sao bé chậm nói?

(Dân trí) - Khi thấy con chậm nói, các bậc cha mẹ thường tự trấn an mình rằng “Rồi con sẽ nói được” để rồi luôn day dứt vì sự chậm trễ, không đến bác sĩ để có biện pháp chữa trị kịp thời. Vậy nên cha mẹ phải nắm rõ điều gì là “bình thường” hoặc “bất bình thường” để giúp con mình phát triển tốt.

Sự phát triển bình thường của lời nói và ngôn ngữ ở trẻ

 

Trước 12 tháng tuổi

 

Ở độ tuổi này cha mẹ cần chú ý quan sát những dấu hiệu cho thấy trẻ đang sử dụng giọng nói của mình để giao tiếp với môi trường xung quanh. Những tiếng bập bẹ, bi bô của trẻ là dấu hiệu cho thấy giai đoạn đầu tiên của sự phát triển lời nói.

 

Khi trẻ lớn hơn (khoảng 9 tháng), chúng bắt đầu xâu chuỗi những âm khác nhau của lời nói để có thể tạo ra những tiếng như “ma”, “ba” (mà không hiểu ý nghĩa của những từ này).

 

Trước 12 tháng tuổi, trẻ thường rất chú ý tới các âm thanh. Nếu bé thường xem một cách chăm chú mà không có phản ứng gì với âm thanh thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bé bị mất thính giác.

 

Từ 12 đến 15 tháng tuổi

 

Ở độ tuổi này bé bắt đầu bi bô nói nhiều hơn ngoài những từ như “ma”, “ba”. Hơn nữa bé cũng có thể hiểu và nghe theo những điều khiển đơn lẻ như “hãy đưa mẹ đồ chơi của con”.

 

Từ 18 đến 24 tháng tuổi

 

Trẻ sẽ có thể nói khoảng 20 từ khi bé được 18 tháng tuổi và 50 từ hoặc hơn thế nữa khi được 2 tuổi. Khi 2 tuổi, bé sẽ bắt đầu học kết hợp hai từ và có thể nghe theo những lời điều khiển kép như “Hãy nhặt đồ chơi của con và mang cho mẹ”.

 

Từ 2 đến 3 tuổi

 

Giai đoạn này khả năng nói của bé phát triển mạnh nhất. Vốn từ của bé tăng nhanh do bé bắt đầu có thể kết hợp hơn 3 từ trong một câu. Sự hiểu biết của bé cũng phát triển theo. Khi 3 tuổi, bé có thể hiểu thế nào là “đặt nó lên trên bàn” hoặc “đặt nó dưới gầm giường”. Bé cũng bắt đầu nhận biết màu sắc và hiểu những khái niệm về miêu tả như to, nhỏ…

 

Những dấu hiệu của trẻ chậm nói

 

Cha mẹ cần đặc biệt quan tâm nếu bé không phản ứng với âm thanh hoặc không phát âm những âm đơn giản. Ngoài ra cần chú ý tới các dấu hiệu cho thấy bé chậm nói sau:

 

Từ 12 đến 24 tháng tuổi:

 

- Bé không sử dụng cử chỉ ví dụ như vẫy tay tạm biệt khi 12 tháng tuổi

 

- Bé thích sử dụng cử chỉ hơn là phát âm để giao tiếp khi 18 tháng tuổi

 

- Bé gặp vấn đề với việc bắt chước âm thanh khi 18 tháng tuổi

 

Hơn 2 tuổi

 

- Bé chỉ bắt chước lời nói hoặc hành động mà không tạo ra từ hoặc cụm từ đồng thời

 

- Chỉ nói và nhắc đi nhắc lại vài từ mà không thể sử dụng ngôn ngữ nói để giao tiếp theo đúng sự phát triển bình thường

 

- Không thể nghe theo những lời điều khiển đơn giản

 

- Có tông giọng không bình thường, chẳng hạn như giọng mũi

 

- Gặp khó khăn trong việc hiểu. Cha mẹ thường hiểu được nửa điều mà bé bập bẹ nói khi bé 2 tuổi, ¾ khi bé được 3 tuổi và hầu hết mọi điều bé nói khi bé 4 tuổi

 

Tại sao bé chậm nói?

 

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé chậm nói, thường là do có vấn đề khả năng vận động của miệng. Có nghĩa là trong não khu thiếu khả năng giao tiếp để phản ứng với việc tạo ra lời nói. Bé sẽ thấy khó khăn trong việc sử dụng lưỡi, răng và hàm để tạo âm thanh.

Vấn đề về thính giác đôi khi cũng là nguyên nhân gây chậm nói. Nếu thính giác kém, bé sẽ gặp vấn đề về hiểu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ.

 

Cha mẹ có thể làm gì?

 

Sự can thiệp đúng lúc của cha mẹ có thể giúp bé phát triển bình thường. Khi bạn nắm rõ nguyên nhân gây nên tình trạng chậm nói của con mình, bạn có thể sẽ biết cách khuyến khích con để phát triển khả năng nói của bé. Dưới đây là một vài lời khuyên cho bạn:

 

- Dành nhiều thời gian trò chuyện với bé, thậm chí ngay cả khi bé còn ở tuổi ẵm ngửa. Bạn có thể nói, hát hoặc khuyến khích con bắt chước theo những âm thanh hoặc cử chỉ của mình.

 

- Đọc cho con nghe ngay khi bé được 6 tháng tuổi. Bạn không cần phải đọc toàn bộ quyển sách. Hãy chọn những quyển truyện tranh. Điều đó sẽ cuốn hút bé nhìn vào sách khi bạn đọc. Khi con lớn hơn, hãy khuyến khích bé chỉ ra những bức tranh mà bé có thể nhớ và cố gắng gọi tên chúng. Con bạn thậm chí bắt đầu nhớ dần những quyển truyện mà bé yêu thích

 

- Sử dụng các tình huống hàng ngày để khuyến khích bé phát triển khả năng nói và ngôn ngữ. Ví dụ bạn có thể gọi tên các loại thức ăn trong cửa hàng thực phẩm; giải thích cho con bạn đang làm gì khi bạn nấu ăn hoặc lau nhà; gọi tên các đồ vật xung quanh nhà. Hãy đặt cho con những câu hỏi đơn giản và khuyến khích con trả lời (ngay cả khi bé cũng chưa hiểu được mấy).

 

Dù con ở độ tuổi nào thì việc nhận biết và điều trị kịp thời là cách tốt nhất cho khả năng chậm nói của bé. Cùng với những phương pháp hợp lý bạn sẽ giúp con giao tiếp với mình và thế giới bên ngoài tốt hơn.

 

Thịnh Vượng

Theo Kidhealth

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ