Suýt tử vong vì ăn lá cây hoa chuông

Tin cây hoa chuông ăn vào sẽ mát, tăng cường sức khỏe, chữa bệnh ho, hen, trị mụn nhọt... không ít người đã dùng chúng làm món ăn. Các chuyên gia cho rằng, tin đồn này rất nguy hiểm vì cây hoa chuông rất dễ gây độc.

Bệnh nhân N được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh:
D.H
Bệnh nhân N được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: D.H

Tê bì toàn thân, giãn đồng tử vì canh hoa chuông

BSCKI Phạm Hữu Hiển, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội) cho biết, ngày 13/4/2015, Khoa Hồi sức tiếp nhận trường hợp bà Đào Thị N. cùng chồng là ông Lê Văn L. (62 tuổi, quê ở Thanh Oai, Hà Nội) bị ngộ độc nặng. Nguyên nhân do hai người đã ăn món canh được nấu từ lá của cây hoa chuông.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước đó, vì nghe nhiều người mách lấy lá của cây hoa chuông nấu canh ăn sẽ rất tốt cho sức khỏe và chữa được một số bệnh. Tin vậy, hai vợ chồng đã ngắt lá hoa chuông nấu canh trong bữa tối. Tốt đâu chưa thấy, chỉ vừa ăn xong khoảng 10 phút, hai ông bà lần lượt xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, khó thở… Người nhà vội vàng đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp cứu.

Theo BSCKI Phạm Hữu Hiển, nếu hai bệnh nhân này không được cấp cứu kịp thời rất dễ tử vong. Khi vào viện, hai bệnh nhân đã trong tình trạng tê bì toàn thân, ảo giác, vật vã kích thích, đỏ da, giãn đồng tử, khó thở, rối loạn nhịp tim. Để cấp cứu, các bác sĩ đã tiến hành rửa dạ dày, truyền dịch thải độc và dùng thuốc giải độc đặc hiệu. Sau 24 giờ điều trị, sức khỏe của hai bệnh nhân đã tạm ổn định và trong tuần này sẽ được xuất viện.

Trước đó, ở nhiều bệnh viện khác cũng đã ghi nhận những trường hợp ngộ độc do dùng lá hoa chuông để ăn. Như trường hợp hai bệnh nhân ở xã Bắc Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã phải nhập viện điều trị tích cực trong 6 ngày tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cao Phong vì ngộ độc cây hoa chuông khi ăn kèm với thịt chó. Vài phút sau khi ăn, hai người có biểu hiện tê lưỡi, buồn nôn, kích thích, vật vã, mê sảng, giãn đồng tử. May mắn hai người đã thoát khỏi “tử thần” sau khi được các bác sĩ tiến hành rửa dạ dày, dùng thuốc lợi tiểu, truyền dịch, trợ tim.

Không chỉ lá mà hoa của loài hoa này cũng vô cùng độc tính. Tại Kỳ Quang, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cũng xảy ra vụ ngộ độc tập thể vì dùng hoa của cây hoa chuông để ăn lẩu. Chỉ vì nghe nói loại hoa này giúp tăng huyết áp nên họ đã hái 20 bông cho vào nồi. Ăn xong, 4 người thấy chóng mặt, xây xẩm, bước đi không vững. Mọi người đã chuyển họ đến Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Lúc nhập viện, các bệnh nhân bị ngộ độc đều trong tình trạng lơ mơ, nôn ói, tim đập nhanh và mất kiểm soát, có người còn nói sảng la hét ầm ĩ. Sau khi được điều trị tích cực, các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Đẹp nhưng nguy hiểm

Cây hoa chuông
Cây hoa chuông

Theo các chuyên gia cây cảnh, hoa chuông thuộc họ cà Solanaceae. Độc tố chứa trong hoa chuông tựa như độc tố trong cà độc dược nên mọi người không nên dùng. Ngoài ra ở điều kiện bình thường, người có cơ địa dị ứng tiếp xúc qua da với bất kỳ vị trí nào trên cây đều có thể bị nổi mẩn đỏ, ngứa.

Trong Từ điển cây thuốc Việt Nam của giáo sư Võ Văn Chi có mô tả, đây là cây nhỡ khỏe, cành lá thường thòng xuống. Lá của loài mọc so le, phiến có dạng như lá thuốc lá. Hoa của loài mọc thòng xuống, to, đơn độc hay xếp thành từng đôi, có màu trắng, dài 25-30cm, đường kính 1-1,5 cm, nhị đính trên ống tràng có bao phấn dính nhau. Cây này gốc ở Mexico và Peru được nhập về trồng nhiều ở nước ta.

Trước tin đồn ăn lá hoa chuông sẽ tốt cho sức khỏe, ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, cho rằng, hoa chuông không có tác dụng chữa bệnh hay tốt cho sức khỏe như tin đồn. Nó cũng không được dùng để làm dược liệu thuốc. Mọi người cần thận trọng với những tin đồn đó.

Bên cạnh đó, không ít người ngày nay có quan quan niệm cây cảnh cũng là cây làm thuốc nên trồng trong nhà để tiện chữa bệnh. Theo ông Nguyễn Xuân Hướng, nếu không cẩn thận, những loại cây này sẽ gây độc.

Chẳng hạn, lô hội được nhiều người dùng để thanh nhiệt, làm đẹp da, chữa bỏng... Dùng vừa phải sẽ có tác dụng kích thích tiêu hóa nhưng lạm dụng có thể gây ngộ độc, xuất huyết đường tiêu hóa. Với phụ nữ có thai dễ sẩy thai nếu dùng quá liều.

Hoặc mã tiền hạt chín phơi khô được bào chế làm thuốc chữa bệnh thấp khớp, nhức mỏi tay chân, đau dây thần kinh, bại liệt, nhược cơ, đái dầm, thiếu máu… Còn trong điều kiện bình thường, nếu ăn phải hạt mã tiền có thể tử vong vì cực độc.

Ngoài ra, những loại cây như trúc đào, đỗ quyên, hoa loa kèn, xương rồng bát tiên, cẩm tú cầu, hoa lan chuông, hồng môn… cũng là cây, hoa có độc tính được trồng và chơi phổ biến cần cảnh giác.

Để tránh ngộ độc, các chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên sử dụng tùy tiện các loại cây mọc trong tự nhiên. Bởi không biết được thành phần của nó sẽ gây ra hậu quả khôn lường đối với sức khỏe của mọi người.

“Những năm gần đây, cây hoa chuông được nhiều người trồng để làm cảnh vì đẹp, dễ trồng. Lá cây có vị đắng nên nhiều người lầm tưởng có thể ăn được. Hoa chuông có hình dáng rất đẹp. Tuy nhiên, đây là loài cây có độc tính cao, nếu không được cấp cứu kịp thời thì nguy cơ bị rối loạn nhịp tim, suy hô hấp dễ dẫn đến tử vong. Mọi người không nên nghe tin đồn loại lá, hoa chuông tốt cho sức khỏe mà dùng làm món ăn. Khi bị ngộ độc, nhẹ thì cảm thấy khô miệng, khó nuốt, giảm tiết dịch ở phế quản, giãn đồng tử, nặng có thể bị lú lẫn, hoang tưởng, dễ bị kích thích có thể dẫn tới tử vong. Nếu có các dấu hiệu này cần đến bệnh viện cấp cứu ngay”.

BSCKI Phạm Hữu Hiển

Theo Hà My

Báo Gia đình & Xã hội