Suýt cưa chân vì garô khi rắn cắn

Một bé trai 8 tuổi (ở huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang) được gia đình đưa vào bệnh viện bàn chân tím ngắt, lạnh như nước đá vì buộc garo chống nọc độc chạy về tim.

Mẹ bé cho biết lúc trời vừa sập tối bé ra bờ mương đi vệ sinh, bất ngờ có một con rắn màu đen bụng hơi trắng dài khoảng ba tấc cắn ở chân.

  

Khi thấy nơi ngón chân cái có vết chảy máu ri rỉ, gia đình dùng dây thun siết chặt khu vực trên mắt cá chân rồi đưa vào bệnh viện. Từ nhà bé đến bệnh viện phải mất hơn một giờ.

 

Khi tới bệnh viện, bác sĩ nhìn thấy bàn chân bé đã tím ngắt, lạnh như nước đá nên vội vàng cắt cọng dây thun. Sau khi cắt bỏ garô, chân bé từ từ bớt tím, bác sĩ xem xét vết cắn ở ngón chân cái, thấy nhiều vết răng mờ liền nhau hình vòng cung, không có lỗ hai răng nanh. Bác sĩ cho biết rắn này không độc, có lẽ là rắn nước cắn, chỉ cần cho thuốc giảm đau và chống nhiễm trùng là khỏi, tuy nhiên nó "độc" ở chỗ là suýt phải cắt bỏ bàn chân của bé nếu bị hoại tử vì garô.

 

Theo các tài liệu chuyên ngành trước đây và cả trong dân gian là phải garô trên vết rắn cắn để ngăn ngừa độc tố của rắn theo máu về tim và đến các cơ quan khác. Hiện nay người ta chứng minh được rằng garô không những không có tác dụng, trái lại còn gây nguy hiểm cho nạn nhân thêm nữa.

 

Thứ nhất, garô không có tác dụng vì nọc độc lan truyền vào cơ thể chủ yếu từ đường mạch bạch huyết, chứ không phải đường mạch máu thông thường như người ta vẫn nghĩ. Hệ mạch bạch huyết lưu thông khắp các mô trong cơ thể bằng sức ép của cử động thở và hoạt động của các cơ, chứ không phải nhờ quả tim như mạch máu thông thường. Do đó, garô không có tác dụng ngăn nọc rắn theo máu về tim. Thứ hai, khi garô có thể làm máu không thể lưu thông đến phần cơ thể phía dưới nơi buộc chặt nên vùng đó sẽ bị hư hoại, thậm chí nếu nặng phải tháo khớp hoặc cắt cụt chi.

 

Theo khoa học, sơ cứu đúng cách là động viên nạn nhân an tâm, không hốt hoảng; không để nạn nhân tự đi lại; bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp vì càng vận động càng làm cho nọc độc xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn qua đường mạch bạch huyết; băng ép bất động và đặt nơi bị rắn cắn thấp hơn so với tim để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.

 

Riêng trường hợp rắn lục cắn thì không băng ép vì có thể làm vết thương nặng thêm; rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước; phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng; nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế, nếu có thể đem theo con rắn đã bắt được. Những việc không nên làm là garô hoặc trích, rạch, chọc, hút nọc độc tại vùng vết cắn vì có thể gây hại thêm cho bệnh nhân như tổn thương mạch máu, dây thần kinh, nhiễm trùng nặng thêm; chườm đá hay chườm lạnh cũng không có tác dụng.

 

Theo BS Nguyễn Thành Úc

Tuổi trẻ