Suýt chết vì bị mò đốt
Đột ngột sốt cao kéo dài tới nửa tháng không khỏi, anh Đỗ Văn Hội, quê ở Xuân Quang (Bảo Thắng, Lào Cai) được đưa đến trạm xá, rồi chuyển bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, điều trị nhiều loại kháng sinh mà bệnh tình không thuyên giảm.
Khi tới Viện Các bệnh nhiệt đới và Truyền nhiễm Quốc gia (Viện CBNĐ), anh đã hôn mê, chảy máu tiêu hóa, khó thở, tụt huyết áp. Chỉ sau 2 ngày điều trị tại Viện, anh được tháo máy thở.
Sau một tuần điều trị đã qua cơn nguy kịch. Sút 20kg, cơ thể suy kiệt và vẫn còn trong trạng thái lơ mơ, tuy nhiên, anh đã được cứu sống. Đến tận bây giờ, người nông dân 45 tuổi khỏe mạnh, vạm vỡ này mới biết mình suýt mất mạng vì một vết mò đốt bé xíu sau vai.
Bệnh nhân L.T.S ở Hà Giang sốt cao dài ngày, điều trị tại tuyến dưới nhưng bác sĩ bó tay không xác định được nguyên nhân. Khi nhập Viện CBNĐ, bệnh nhân S đã ở tình trạng nguy kịch, phim phổi mờ mịt, suy hô hấp, sốc nặng.
Sau một tháng điều trị với các biện pháp tích cực kết hợp lọc máu liên tục, chị S đã bình phục và ra viện. Nguyên nhân của căn bệnh “kỳ lạ” này xuất phát từ một vết mò đốt được tìm thấy ở bẹn.
Cực kỳ nguy hiểm…
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Viện CBNĐ, từ đầu năm đến nay Viện đã tiếp nhận 15 trường hợp bị ấu trùng mò đốt. Trong đó, 10 trường hợp rất nặng, bệnh nhân sốt cao li bì kèm vô số biến chứng trầm trọng.
Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh viện tuyến dưới thường không có đầy đủ các thiết bị xét nghiệm, trong khi bác sĩ lại thiếu kiến thức hoặc ít nghĩ đến loại bệnh này.
“Việc cần làm đầu tiên là cởi quần áo bệnh nhân để tìm vết mò đốt thì nhiều cơ sở y tế lại ngại làm”, BS Thái nói. Ngoài việc tìm vết mò đốt trên cơ thể bệnh nhân, có thể xác định bằng cách xét nghiệm máu để tìm phản ứng huyết thanh đặc hiệu với á vi khuẩn.
Cũng theo BS Thái, ấu trùng mò bé xíu, kích cỡ chỉ từ 2 - 4mm và thường không phân biệt được với các loại bọ nhảy khác.
Loại côn trùng này thường xuất hiện vào đầu mùa hè và kéo dài đến hết mùa mưa. Ấu trùng mò sống dưới đất, buổi sớm leo lên đỉnh ngọn cỏ. Khi người đi qua, ấu trùng nhảy vào cơ thể người rồi đốt.
Vị trí thường bị mò đốt là vùng da mỏng, đàn ông thường bị đốt ở quanh bộ phận sinh dục, phụ nữ thường bị đốt ở vai, nách, tuy nhiên không có quy luật nhất định nào cho cả hai giới.
Bệnh nhân sốt mò chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc, tập trung nhiều ở Kinh Môn (Hải Dương), đặc biệt những nơi có cỏ, cây lúp xúp mọc là điều liện lý tưởng để ấu trùng mò dưới đất bò lên.
Rải rác có trường hợp là người miền núi. Đa số đã điều trị tại các bệnh viện tuyến dưới nhưng không tìm được nguyên nhân.
Bệnh này thường rộ lên vào giai đoạn đầu mùa hè, kéo dài đến hết mùa mưa.
Theo bác sĩ Thái, đây là bệnh có từ lâu nhưng ít được để ý đến. Gần đây bệnh này đã được chú ý hơn nhưng một số bệnh viện tuyến dưới chưa được trang bị kiến thức nên không xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Những năm trước đã có trường hợp tử vong. Năm nay chưa có trường hợp nào tử vong tại Viện nhưng hầu hết đều tới điều trị trong tình trạng biến chứng nặng.
… chữa cực đơn giản khi phát hiện sớm
Khi đốt, ấu trùng mò truyền vào cơ thể á vi khuẩn có tên Orientia tsutsugamushi. Nguy hiểm là sau khi bị mò đốt, người ta thường không có cảm giác gì đặc biệt nên quên bẵng đi.
Sau đó ít lâu, vết mò đốt sưng lên giống vết muỗi đốt, sau hơi phỏng, rồi vỡ thành vết loét nhỏ từ 0,5 - 1cm. Để lâu bề mặt vết loét đóng vảy đen và nằm yên tĩnh ở nơi kín đáo, ít bị để ý.
Sau một thời gian bị mò đốt, bệnh nhân lên cơn sốt kéo dài, li bì từ 7 - 15 ngày, da và niêm mạc xung huyết, nổi hạch to. Nếu không phát hiện ra vết mò đốt hoặc không suy nghĩ về khả năng này để điều trị thử, bệnh nhân có thể biến chứng và tử vong.
Các biến chứng thường gặp như suy hô hấp cấp tiến triển (nguyên nhân chính dẫn đến tử vong), tiếp đó là suy thận, tụt huyết áp. Nếu không xử lý tốt có thể suy đa phủ tạng, khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng.
Bệnh nhân lâm vào tình trạng này phải điều trị tích cực phối hợp nhiều phương pháp, trong đó có lọc máu liên tục. Riêng tiền lọc máu tốn hơn 10 triệu đồng/ngày.
Nhiều trường hợp bác sĩ nhầm bệnh nhân sốt mò với các bệnh khác và điều trị bằng nhiều loại kháng sinh, trong đó có cả thuốc hạ sốt khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Việc lạm dụng thuốc hạ sốt đối với bệnh nhân sốt cao liên tục đã đẩy bệnh nhân vào tình trạng suy gan, hoại tử gan. Khi đó, bệnh nhân mệt lả, nôn nhiều, da và mắt dần dần xuất hiện vết vàng. Khi xét nghiệm, men gan tăng lên rất cao.
Nếu phát hiện sớm vết mò đốt, chỉ cần dùng một loại thuốc thông dụng, rẻ tiền (cả liệu trình điều trị chỉ hết khoảng 10.000đồng) như Doxycyclin, Tetracyclin, hoặc Cloramphenico cho trẻ em, Azithromycin cho phụ nữ có thai, là chữa khỏi bệnh.
Để đề phòng căn bệnh này, các bác sĩ Viện CBNĐ khuyên cáo không nên đi chân không hay đi vệ sinh ở những lùm cây, bụi cỏ lúp xúp.
Theo Mỹ Hằng
Tiền phong