Suy tĩnh mạch chân – đừng để nhẹ thành nặng

Suy tĩnh mạch chân (suy tĩnh mạch chi dưới) có tỷ lệ mắc bệnh rất cao, đặc biệt ở phụ nữ. Về mặt bệnh lí, các triệu chứng diễn ra âm thầm, nhiều người mắc nhưng lại không biết đến. Theo các bác sĩ, suy giãn tĩnh mạch là một căn bệnh lành tính nhưng hiện nay có nhiều ca để lại biến chứng nguy hiểm vì không được phát hiện và chữa trị kịp thời.

Hiểu về suy giãn tĩnh mạch

Giãn tĩnh mạch (hay còn gọi là bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính) là hiện tượng các tĩnh mạch phình ra nổi lên gần bề mặt da. Tĩnh mạch là mạch máu dẫn máu hồi lưu về tim từ các bộ phận của cơ thể. Có những van giữ chức năng làm dòng máu đi 1 hướng về tim để trao đổi oxy, tuy nhiên, vì 1 yếu tố nào đó, các van này làm việc không hiệu quả và làm dòng máu đi hướng ngược lại và dẫn đến gia tăng áp lực tại các tĩnh mạch. Kết quả là làm phình to các mạch máu này, gây nên hiện tượng suy giãn tĩnh mạch (xuất hiện những tia tĩnh mạch nhỏ xanh đỏ, hoặc đường mạch máu màu xanh ngoằn ngèo) có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Bệnh thường xảy ra ở các tĩnh mạch chân.

Suy giãn tĩnh mạch tiến triển qua đừng giai đoạn, nhẹ nhất là hiện tượng đau, nặng chân, mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều, vọp bẻ, chuột rút vào buổi tối. Nặng hơn, vùng cẳng chân xuất hiện chàm da, thay đổi màu sắc da gây cảm giác nặng, đau nhức chân. Ở giai đoạn cuối cùng, bệnh gây viêm sưng, rất khó đi lại, đôi khi còn dẫn đến tình trạng loét chân, cắt cụt chi.

Hình trái- Bệnh nhân suy tĩnh mạch gấp độ nhẹ; Hình bên phải- Bệnh nhân suy tĩnh mạch nặng bị biến đổi sắc tố da kèm vết loét đã lành
Hình trái- Bệnh nhân suy tĩnh mạch gấp độ nhẹ; Hình bên phải- Bệnh nhân suy tĩnh mạch nặng bị biến đổi sắc tố da kèm vết loét đã lành

Người bệnh suy tĩnh mạch ở giai đoạn đầu thường có các dấu hiệu mờ nhạt, chính bệnh nhân cũng không biết. Người bệnh chỉ cảm giác đau chân, nặng chân, nhưng đa số bệnh nhân không nghĩ rằng bị suy tĩnh mạch mà chủ quan vì lầm tưởng các cảm giác đau chân, sung phù to hơn bình thường là do đứng hoặc ngồi lâu. Chính vì những triệu chứng này thường không rõ ràng hoặc mất đi khi nghỉ ngơi vì các tĩnh mạch ở chi chưa giãn nhiều, không thấy rõ, nên người bệnh ít chú ý đến và dễ bỏ qua. Mặt khác, đa số mọi người cho rằng suy giãn tĩnh mạch chỉ là căn bệnh do lão hóa, với độ tuổi từ 30 – 40 hiếm có nguy cơ mắc bệnh nên thường vô tâm, không thăm khám khi có các dấu hiệu ban đầu của bệnh lí.

Bệnh lành tính nhưng dễ biến chứng

Ngoài ra, sai lầm trong phương pháp điều trị vì lầm tưởng với những căn bệnh khác cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh suy tĩnh mạch từ lành tính trở nên biến chứng. Về mặt triệu chứng, suy giãn tĩnh mạch khá giống với một số bệnh khác như đau mỏi cơ, loãng xương, thiếu canxi dẫn đến quan điểm lệch lạc về phương thức chữa trị.

Chị Nguyễn Thu Thảo (35 tuổi, quận 3, TPHCM) đã bị suy tĩnh mạch nhiều năm nhắc đến vì sự sai lầm của chị khi hiểu sai về bệnh suy tĩnh mạch, dẫn đến điều trị khó khăn. Nửa năm nay bệnh suy tĩnh mạch làm cho tình trạng chuột rút ban đêm trở nên thường xuyên, tần suất ngày càng nhiều khiến chị rất mệt mỏi vì mất ngủ. Khi tìm đến các nhà thuốc tây, do không được chẩn đoán đúng nên chị đã bổ sung thêm Canxi vì lầm tưởng đó là triệu chứng của loãng xương. Tuy nhiên, uống hơn một tháng các triệu chứng của chị không giảm mà còn bị nặng hơn. Đến khi đến bệnh viện, bác sĩ cho biết nguyên nhân đến từ bệnh suy tĩnh mạch một trong những căn bệnh mà trước đây chị ít được biết đến.

Hiểu đúng bệnh, trị đúng gốc

Trên thực tế suy giãn tĩnh mạch là một căn bệnh mãn tính không thể tự chữa khỏi. Chính vì vậy, để điều trị hiệu quả và ngăn không cho bệnh bị biến chứng nặng, các chị em phụ nữ cần lưu ý ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh (như đau, sưng, nặng chân vào cuối ngày hay đứng lâu; chuột rút ban đêm), hãy đi gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Bạn nên chủ động tầm soát và điều trị sớm ngay khi có dấu hiệu về suy giãn tĩnh mạch. Nếu bạn hay người thân có những triệu chứng trên, có thể tầm soát tại một số địa điểm: Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định- Khoa Ngoại lồng ngực- Mạch máu, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Thống Nhất…

Bên cạnh đó, chị em phụ nữ nên nâng cao nhận thức và chủ động phòng ngừa bệnh. Hãy tạo 1 môi trường làm việc khoa học và an toàn cho cơ thể, nếu công việc bạn phải ngồi hoặc đứng nhiều, bạn hãy tự cho phép cơ thể mình thư giãn 5-10 phút cứ sau 60 phút làm việc hoặc đơn giản chuyển tư thế ngồi. Việc thường xuyên tham gia tập luyện thể thao kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lí là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn căn bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Chương trình truyền thông và tư vấn tầm soát suy tĩnh mạch mạn tính miễn phí sẽ được tổ chức trong tháng 11, 12 năm 2017 tại trường học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, từ tháng 03 đến tháng 05 năm 2018 tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Hãy truy cập trang fanpage https://www.facebook.com/YeuDoiChanMinh/ để biết chính xác thời gian và địa điểm tổ chức.

Chương trình như một lời tri ân đến quý thầy cô giáo nhân ngày 20.11, nhằm hướng đến quan tâm chăm sóc sức khỏe của giáo viên trước nguy cơ suy giãn tĩnh mạch. Ở mỗi nơi diễn ra sự kiện, các Bác sĩ chuyên khoa có bề dày kinh nghiệm sẽ chia sẻ kiến thức về bệnh, giải đáp thắc mắc liên quan chế độ ăn uống, luyện tập và sinh hoạt cho người bệnh. Đồng thời, giáo viên sẽ nhận được voucher khám và siêu âm mạch máu miễn phí tại các bệnh viện để được tầm soát sớm bệnh suy tĩnh mạch.

Lê Thu