Suy dinh dưỡng bào thai
(Dân trí) - Tôi đang mang thai đứa con đầu lòng, hiện đã là tuần thứ 32 nhưng thai nhi mới được 1,8kg. Tôi rất lo lắng khi bác sĩ nói thai nhi nhỏ, có nguy cơ suy dinh dưỡng. Liệu suy dinh dưỡng bào thai có ảnh hưởng gì tới sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ sau này?
BS Trần Văn Phúc (BV Xanh Pôn) trả lời:
Trong cuộc đời người phụ nữ, thai nghén là thời kỳ vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng tới sức khoẻ của bà mẹ, tới tương lai mai sau của đứa trẻ. SDD bào thai là tình trạng thai nhi thiếu protein, năng lượng và các vi chất dinh dưỡng.
Trong thời kỳ mang thai, nếu bà mẹ ăn uống không đầy đủ sẽ gây ra tình trạng SDD bào thai, hậu quả là đứa trẻ sinh ra nhẹ cân, chiều dài kém hơn bình thường, gây ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần và vận động, khi lớn lên khó đuổi kịp được những bạn cùng trang lứa cả về thể lực lẫn trí lực.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy có mối quan hệ giữa SDD bào thai với các bệnh mạn tính như: tim mạch (bệnh mạch vành, tăng huyết áp...); bệnh chuyển hoá (béo phì, đái đường...); bệnh máu (thiếu máu dinh dưỡng...); các dị tật bẩm sinh (dị tật ống thần kinh...).
Những đứa trẻ bị SDD bào thai nếu tiếp tục sống trong môi trường thiếu thốn sẽ bị thấp, còi, SDD rồi trở thành những bà mẹ thấp bé nhẹ cân. Khi có thai, những bà mẹ này lại đẻ ra những đứa con cân nặng thấp, theo một vòng luẩn quẩn.
Những đứa trẻ bị SDD bào thai nếu được sống trong môi trường thực phẩm đầy đủ có thể đuổi kịp về cân nặng nhưng dễ trở thành thấp béo (hoặc béo phì), về sau trở thành những bà mẹ thấp béo, dễ mắc những bệnh mạn tính và có thể lại sinh ra những đứa con thiếu cân SDD.
Chị đang mai thai tuần 32, cân nặng thai 1,8kg đúng là hơi thấp hơn so với mức bình thường. Nhưng chị không nên lo lắng quá, mà cần tiếp tục có chế độ ăn cân đối, đầy đủ để thai nhi tiếp tục phát triển tốt ở những tuần còn lại.
Trong vòng 15 tuần đầu của thời kỳ thai nghén, tốc độ phát triển chiều dài của thai nhi là cao nhất. Điều này có nghĩa, muốn cải thiện chiều cao của cơ thể cần phải có sự can thiệp từ rất sớm.
Còn trong suốt quá trình phát triển, bào thai đòi hỏi nhu cầu dinh dưỡng rất cao, đặc biệt từ tuần thứ 32 đến tuần thứ 34, thai nhi phát triển chủ yếu cân nặng.
Do vậy, ở tuần thai này, chị nên ăn đầy đủ không những đảm bảo cung cấp chất dinh dưỡng cho thai phát triển, mà còn đảm bảo sự điều tiết Insulin và Insulin like Growth Factors, là các yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của bào thai.
Tuy nhiên chị cũng cần lưu ý, mỗi chất dinh dưỡng chỉ thật sự phát huy hết hiệu quả khi nó đảm bảo nằm trong khẩu phần ăn cân đối hợp lý. Chị không nên tập trung ăn quá nhiều vào một chất béo hay protein… Chế độ dinh dưỡng mất cân đối là nguyên nhân gây rối loạn dung nạp glucose của thai nhi.
Ăn thiếu hoặc thừa Protein có ảnh hưởng tới rau thai và huyết áp của bào thai. Thiếu hoặc thừa Lipid, Acid Folic, VitaminA, sắt, Iod, canxi, các nguyên tố vi lượng khác cũng gây ra tình trạng SDD và nhiều những rối loạn khác cho sự phát triển của bào thai.
Hồng Hải (ghi)