Sức khỏe 2 ca nhiễm virus corona tại TPHCM bây giờ ra sao?
(Dân trí) - Cả 2 người bệnh đều là người ngoại quốc đi tới thành phố trong dịp Tết Nguyên Đán. Sau thời gian điều trị, các bệnh nhân hiện sức khỏe tương đối ổn định.
Chiều 9/2, BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay: ông Li Ding (66 tuổi, bệnh nhân người Trung Quốc) đang được bệnh viện điều trị corona tại bệnh viện đang có tiến triển tốt. Ông mới được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả từ Viện Pasteur TPHCM. Vợ ông, bà Hu Xiao Lan có kết quả âm tính với corona hiện đang sống cùng con trai Li ZiChao (đã xuất viện sau khi được điều trị khỏi) tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
BS Nguyễn Tri Thức cho biết thêm, trong số 28 người là nhân viên y tế đang công tác tại bệnh viện có tiếp xúc với cha con ông Li Ding trong quá trình khám, điều trị đều đã trải qua 14 ngày cách ly, tất cả đều trong tình trạng khỏe mạnh. Riêng nữ điều dưỡng, người đã tiếp xúc đầu tiên với cha con ông Li Ding (khoảng một phút rưỡi) phát hiện ra họ từ Vũ Hán đã kịp thời kích hoạt hệ thống điều trị dịch corona, cũng trải qua 14 ngày cách ly. Hiện cô đã quay lại làm việc trong tình trạng khỏe mạnh.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện cho biết, bệnh nhân người Mỹ gốc Việt T.H.K. (73 tuổi) đang được điều trị tại đây cũng có tiến triển tốt. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã tự thở được 2 ngày, ăn uống, sinh hoạt bình thường, không sốt, giảm ho. Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân vẫn còn dương tính với virus corona nhưng tải lượng virus đã giảm rõ rệt.
GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết: “Ngành y tế thành phố đang triển khai triệt để công tác giám sát ca bệnh, cách ly, theo dõi, điều trị đối với những trường hợp được xác định nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh từ vùng dịch về và người tiếp xúc với bệnh nhân đã được xác định dương tính. Những trường hợp đến TPHCM từ vùng dịch hiện đang được cách ly, giám sát chặt chẽ về mặt sức khỏe trong thời gian 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh).
Để giảm tải cho Viện Pasteur trong việc thực hiện các mẫu xét nghiệm, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đề nghị Bộ Y tế xem xét phê duyệt cho bệnh viện chủ động thực hiện các mẫu xét nghiệm. “Bệnh viện có đủ chuyên môn, phương tiện, trang thiết bị cần thiết để xét nghiệm virus corona, đủ đảm bảo thực hiện mẫu cho người bệnh nghi nhiễm tại bệnh viện và những cơ sở chuyển bệnh tới. Việc xét nghiệm tại bệnh viện sẽ giảm được thời gian vận chuyển mẫu bệnh phẩm, tăng hiệu quả xác định ca bệnh để kịp thời thực hiện các biện pháp điều trị chuyên môn”.
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur cho rằng: Hiện nay đã có 11 nước có ca bệnh lây lan trong cộng đồng, không xác định được nguồn lây, trong khi Việt Nam có ca lây thứ cấp nhưng chúng ta vẫn kiểm soát, phát hiện được nguồn lây để chủ động khoanh vùng dịch. Công tác phòng chống dịch ở TPHCM đang được triển khai rất chủ động, khối dự phòng và điều trị đã vào cuộc giám sát, điều trị cho người bệnh ngay khi chưa có kết quả xét nghiệm.
Việc quản lý tại cộng đồng, điều tra nhanh chóng ra tất cả các ca bệnh đã giúp khoanh vùng số người tiếp xúc gần, theo dõi sức khỏe chủ động. Đến nay, toàn thành phố chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào bị lây nhiễm từ các ca bệnh đã được xác định, cho thấy công tác phòng dịch đã được thực hiện rất tốt.
Tuy nhiên, TPHCM có giao lưu đi lại nhiều đặc biệt là các cửa khẩu hàng không, sự lây lan có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, các biện pháp phòng chống dịch cần thực hiện triệt để hơn nữa. 50 đến 60% khách vào Việt Nam đi qua sân bay Tân Sơn Nhất, cảng biển, và đường bộ do đó áp lực trong quản lý, giám sát ca bệnh rất nặng nề. Hệ thống giám sát của thành phố cần nhạy hơn nữa, việc xét nghiệm phát hiện cho người bệnh nghi nhiễm phải càng nhanh càng tốt. Cán bộ y tế làm nhiều, vất vả thành phố cần có chính sách hợp lý cho y bác sĩ, cán bộ y tế, điều trị, dự phòng.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND thành phố: Từ ngày 30 tết, UBND thành phố đã tổ chức họp khẩn sau khi phát hiện 2 ca bệnh dương tính với virus corona. Thành phố đã có những chỉ đạo rốt ráo, thành phố đã họp khẩn với các sở ngành liên quan để thực hiện phương án phòng chống dịch. Thành phố đã tiên phong trong việc cho học sinh nghỉ học 1 tuần và đến nay đã quyết định cho học sinh nghỉ thêm 1 tuần để chủ động các phương án chống dịch corona. Thành phố đã tập trung phương án in tờ rơi, tuyên truyền đến người dân in 5 triệu bản tờ rơi để trang bị kiến thức cho người dân, chủ động mọi phương án chống dịch, thành phố.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Phó trưởng Ban phòng chống dịch corona Quốc gia đề nghị ngành y tế TPHCM cần nỗ lực hết sức, hạn chế tối đa nguy cơ tử vong cho người bệnh. Ngoài việc giám sát, thu dung kiểm dịch biên giới, cách ly, theo dõi, điều trị ca bệnh, ông đề nghị các bệnh viện thực hiện các biện pháp an toàn, không để lây nhiễm bệnh cho “những chiến sĩ tiên phong trong cuộc chiến chống dịch” là các y bác sĩ và nhân viên y tế. Các bệnh viện phải tổ chức tốt công tác phòng chống nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Các cơ sở điều trị cần tập trung phương án điều trị tối đa để nhanh chóng điều trị khỏi cho người được xác định nhiễm bệnh.
Vân Sơn