TPHCM:
Suất ăn học đường năm nào cũng xảy ra ngộ độc tập thể
(Dân trí) - Học sinh là nhóm cần ưu tiên hàng đầu trong việc sử dụng thực phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe thể chất, trí tuệ nhưng năm nào cũng bị ngộ độc. Không kiểm soát được nguyên liệu đầu vào, tính an toàn và chất lượng bữa ăn học đường đang là nỗi lo thường trực.
Năm nào cũng xảy ra ngộ độc
Với quy mô dân số khoảng 13 triệu người, TPHCM đang tập trung gần 2.000 trường học từ Mầm non đến Trung học Phổ thông. Đây là các cấp học có tổ chức lớp bán trú cung cấp suất ăn cho học sinh với các hình thức khác nhau như: bếp ăn tập thể tự tổ chức, bếp ăn tập thể thuê nấu; cơ sở nhận suất ăn sẵn; căn tin trong trường học.
Trên lý thuyết thì tất cả các hình thức tổ chức dịch vụ ăn uống cho học sinh đều được phối hơp, quản lý chặt chẽ của các ban ngành trong các khâu vận hành. Tuy nhiên, trên thực tế còn tồn tại nhiều lỗ hổng, nguồn thực phẩm kém chất lượng vẫn len lỏi lên bàn ăn của học trò.
Thống kê của Ban Quản lý An toàn Thực phẩm từ năm 2014 đến năm 2018 đã xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học khiến hàng trăm học sinh phải nhập viện cấp cứu. Riêng năm 2016 và 2017 mỗi năm xảy ra 2 vụ, năm 2018 có 1 vụ quy mô dưới 30 bệnh nhân.
PGS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, TPHCM cho biết: “Hầu hết các vụ ngộ độc xảy ra ở học sinh, nguyên nhân đều xuất phát từ thực phẩm bị nhiễm vi sinh. Đây là vấn đề rất khó trong công tác quản lý và đảm bảo an toàn đối với những trường học sử dụng suất ăn sẵn, nguồn nguyên liệu có thể đảm bảo chất lượng, khâu chế biến an toàn nhưng khâu vận chuyển, bảo quản là mắt xích yếu nhất khiến thức ăn dễ bị nhiễm vi sinh”.
Cần ưu tiên phát triển các bếp ăn tự tổ chức của các trường để hạn chế nguy cơ trong quá trình bảo quản, vận chuyển
Tuy nhiên, ngộ độc thực phẩm cấp tính chỉ là bề nổi của tảng băng, “bệnh từ miệng mà vào” bởi các loại vi sinh vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc thú ý, kim loại nặng, các chất phụ gia thực phẩm nguy hại… sẽ âm thầm hủy hoại cơ thể, gây ra các loại bệnh nguy hiểm trong đó có ung thư đang gieo rắc nỗi ám ảnh cho cả cộng đồng, không loại trừ nhóm tuổi học sinh.
An toàn thực phẩm trong trường học còn nhiều khó khăn
Tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm An toàn Thực phẩm trong trường học giai đoạn 2017 – 2019 diễn ra ngày 10/5, ông Nguyễn Văn Gia Thụy, Phó trưởng Ban Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM cho rằng: “Việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học còn gặp không ít khó khăn. Hiện nay, các trường có tổ chức bếp ăn đều ký kết hợp đồng cung ứng thực phẩm với các đơn vị đạt chuẩn. Tuy nhiên, sản lượng của một số đơn vị trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn không đủ để cung cấp, vì vậy mà nhà trường phải ký hợp đồng với nhiều công ty khác nhau, dẫn đến việc kiểm soát khó khăn, không được chặt chẽ”.
Thực phẩm an toàn phải được ưu tiên cho thế hệ tương lai của đất nước
Mặt khác, một số trường học sử dụng suất ăn công nghiệp thì chưa thường xuyên kiểm soát được từng loại thực phẩm của nguồn nguyên liệu đầu vào mà nhà cung cấp sử dụng để chế biến món ăn cho học sinh. Đáng lưu ý hơn, việc cung cấp suất ăn cho học sinh hiện chưa có sự tham gia giám sát của Hội phụ huynh, con trẻ được ăn gì, uống gì, có đảm bảo chất lượng hay không đang lệ thuộc vào nhà trường.
Tuy nhiên, phía nhà trường cũng bị thụ động trong việc quản lý, giám sát bữa ăn của học trò. Đến nay vẫn còn tình trạng nhiều trường chưa công khai nhà cung cấp thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, thực đơn món ăn hàng ngày cho phụ huynh học sinh theo dõi... điều này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm bởi những mặt hàng không đảm bảo chất lượng có thể bị trà trộn ngay từ khâu chế biến.
Những suất ăn an toàn của học sinh đang cần sự chung tay của các bên liên quan
Để bảo đảm an toàn cho suất ăn học đường, năm học 2018 – 2019 Ban Quản lý An toàn Thực phẩm thành phố đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm tiếp nhận nguyên liệu từ nguồn thực phẩm an toàn tại 6 quận trên địa bàn thành phố. Thực tế triển khai đã có 96,6% số cơ sở suất ăn học đường đạt điều kiện an toàn. Song, khuôn viên trường học quá chật hẹp khó bố trí được bếp ăn tự tổ chức đan là hạn chế lớn đối với các trường trên địa bàn thành phố.
PGS Phạm Khánh Phong Lan cho biết, sắp tới việc tổ chức tiếp nhận nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn sẽ được triển khai ở tất cả các trường trên toàn thành phố. Học sinh là nhóm đối tượng ưu tiên hàng đầu, phải được sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Bảo đảm chất lượng thực phẩm là trách nhiệm trong việc bảo vệ sức khỏe thể chất, tinh thần và trí lực cho thế hệ tương lai của đất nước.
Vân Sơn