1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sữa tốt phải có chất MCT?

Nhiều loại sữa gần đây tung ra thị trường được quảng bá tạo sự khác biệt bằng MCT – thuật ngữ tiếng Anh viết tắt có nghĩa là chuỗi chất béo trung bình. Những sự khác biệt trùng hợp này làm cho người tiêu dùng có cảm giác MCT giống như chiếc đũa thần…

MCT tác dụng ra sao?

 

MCT thực ra không phải là cái gì mới mẻ. Từ năm 1960, MCT được ứng dụng đầu tiên cho những bệnh nhân viêm dạ dày mãn tính và trong giai đoạn hồi sức sau giải phẫu.

 

Theo tài liệu Cognic của TS Robert Auduon về MCT, một trong những chức năng rõ ràng của MCT là nhanh chóng cung cấp và dự trữ dinh dưỡng ở dạng năng lượng.

 

Theo TS.BS dinh dưỡng Nguyễn Thị Minh Kiều, do có chuỗi carbon số lượng trung bình (6-12), nên MCT có thể dễ dàng hấp thu nhanh qua đường ruột, không cần qua quá trình nhũ tương hoá với muối mật và quá trình thuỷ phân bởi men tụy như chất béo loại có chuỗi carbon dài (long-chain triglycerides, LCT). Với đặc điểm dễ dàng hấp thu như vậy, nên MCT có ích trong các trường hợp trẻ em hoặc người lớn có tình trạng giảm hấp thu chất béo, chậm tiêu hoá, biếng ăn, bệnh gan mật, bệnh dạ dày tá tràng, AIDS...

 

Nếu vậy thì việc phát hiện ra tình trạng giảm hấp thu chất béo, nhất là ở trẻ em, ít ra là cần đến giám định chuyên môn, và chỉ định sử dụng MCT.

 

Tuy nhiên hiện có hai luồng ý kiến, một ủng hộ đưa MCT vào trong thực phẩm trẻ em, một không đưa. Nhưng  tình trạng trẻ biếng ăn ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung ngày một tăng cao. Liệu có phải vì vậy mà nhiều hãng sữa chọn MCT như là giải pháp bổ sung năng lượng cho trẻ biếng ăn?

 

Nói chung, MCT cũng như chất béo chuỗi carbon dài và bột đường đều cung cấp năng lượng. Nhưng hiệu quả có khác nhau. Một thử nghiệm lâm sàng cho thấy MCT hấp thu nhanh có hiệu quả về tạo năng lượng tốt hơn so với chất béo chuỗi dài, nhưng lại không bằng nhóm bột đường, theo Alternative Medicine Review, No 5.2002.

 

Có gây béo phì?

 

TS Minh Kiều khẳng định: “Bột đường và chất béo đều có chức năng cung cấp năng lượng cho cơ thể. Thế nhưng, điểm khác nhau là bột đường là nguồn cung cấp năng lượng nhanh, sử dụng ngay, lượng dự trữ trong cơ thể không nhiều như chất béo. 1g bột đường cung cấp 4kcal, trong khi 1g chất béo cung cấp đến 9kcal. Chất béo được xem là nguồn dự trữ năng lượng lớn và lâu dài của cơ thể. Ngoài ra, chất béo còn có những chức năng khác mà bột đường không có như cấu tạo màng tế bào, sinh nhiệt cho cơ thể,...”.

 

TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, MCT là loại axit béo có ưu điểm hấp thu nhanh khi đi vào vòng chuyển hoá năng lượng. Ưu điểm của nó so với các chất béo khác là không tích luỹ ở gan, hạn chế tích mỡ dưới da và phủ tạng.

 

Và điều này chỉ đúng khi người sử dụng có vận động. TS Minh Kiều giải thích rõ: “Sự tích tụ mỡ ở dưới da, nội tạng là hậu quả của sự dư thừa năng lượng đưa vào từ ăn uống, kết hợp với sự giảm năng lượng tiêu hao qua vận động. Năng lượng dư thừa sẽ được dự trữ trong cơ thể dưới dạng mô mỡ”.

 

Như vậy, nếu dùng sữa có MCT mà không vận động, vẫn có thể thừa năng lượng, dẫn đến béo phì, chứ không phải không tăng cân như một số lý thuyết đã nêu.

 

Theo C.K - B.N

Sài Gòn tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm