1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sốt xuất huyết: Nguyên nhân gây gánh nặng kinh tế xã hội

(Dân trí) - Thống kê cho thấy chi phí chăm sóc cho 1 ca SXH nhẹ vào năm 2006 là 41 USD, chi phí cho 1 ca nặng là 127 USD; trong khi thu nhập của đại đa số người dân còn ở mức thấp, đời sống còn nhiều khó khăn

  

Sốt xuất huyết: Nguyên nhân gây gánh nặng kinh tế xã hội - 1


Đây là một trong những lý do ra đời Ngày Asean phòng, chống sốt xuất huyết (15/6) và bắt đầu ngay trong năm 2011 này.

 

Sáng nay (15/6), Bộ Y tế phối hợp cùng UBND TP Cần Thơ tổ chức mít-tinh hưởng ứng “Ngày Asean phòng, chống sốt xuất huyết” lần I năm 2011 nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền, người dân và cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh SXH.

 

Tại buổi lễ, Tiến sĩ Nguyễn Bá Thủy- Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước Asean vào năm 2010 đã quyết định lấy ngày 15/6 hàng năm làm “Ngày Asean phòng chống sốt xuất huyết” nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền, người dân và cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh SXH.

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Thủy, chủ đề của năm 2011 có 3 nội dung chính: SXH là vấn đề của cả cộng đồng, là nguyên nhân gây nên gánh nặng kinh tế xã hội, nhưng hoàn toàn có thể phòng chống được.

 

Ở Việt Nam, bệnh SXH diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng qua các năm. Hiện nay, các tỉnh phía Nam là nơi có số ca mắc bệnh SXH nhiều nhất, chiếm từ 80%- 85% số ca mắc bệnh của cả nước. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết hiện nay bệnh SXH vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh có nguy cơ tử vong cao.

 

Thống kê cho thấy chi phí chăm sóc cho 1 ca SXH nhẹ vào năm 2006 là 41 USD, chi phí cho 1 ca nặng là 127 USD; trong khi thu nhập của đại đa số người dân còn ở mức thấp, đời sống còn nhiều khó khăn vì thế SXH trở thành nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh có con nhỏ, là gánh nặng kinh tế của những gia đình nghèo có người mắc bệnh SXH.

 

“Trung gian truyền bệnh SXH là muỗi vằn. Nếu không có lăng quăng, không có muỗi vằn thì không có bệnh SXH. Vấn đề là hàng tuần, mọi gia đình phải quan tâm diệt lăng quăng ở các vật chứa nước trong nhà và xung quanh nhà để muỗi không có nơi trú đậu”- TS Hữu nhấn mạnh.

 

Sau buổi mít-tinh, lãnh đạo Bộ Y tế, UBND TP, các Sở ban ngành và trên 1.000 người dân đã đi diễu hành qua các tuyến đường chính trong nội ô TP.Cần Thơ để tuyên truyền sâu rộng đến người dân về mối nguy hại và các biện pháp phòng, chống bệnh SXH.

 

Huỳnh Hải

Dòng sự kiện: Nội lực ngành Y