Sốt xuất huyết: Mất tiền triệu vì một nốt muỗi đốt

(Dân trí) - Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng trên cả nước với 25 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 48 tỉnh, 12 trường hợp tử vong. Mỗi người mắc SXH chi phí điều trị SXH trung bình từ 900.000-2.700.000đồng, thời gian nằm viện lên đến chục ngày, đã tạo gánh nặng tốn kém cho gia đình và xã hội.

Nằm viện cả chục ngày

1-sxh-1441066148503
Một bệnh nhân SXH thường theo dõi nằm viện điều trị cả chục ngày, với chi phí tiền triệu. Ảnh: H.Hải

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo nghiên cứu của Bộ Y tế tại một số bệnh viện thuộc khu vực miền Nam, trung bình mỗi người bị bệnh sốt xuất huyết dengue sẽ phải nghỉ để điều trị bệnh từ 7-14 ngày, người thân phải nghỉ việc để chăm sóc người bệnh từ 7-9 ngày.

Chi phí cho người bệnh sốt xuất huyết dengue mà người dân phải chi trả bao gồm các chi phí trực tiếp cho y tế như khám, xét nghiệm, điều trị ngoài ra còn các chi phí khác như mua vật dụng, đi lại, chi cho người chăm sóc và chi phí bị mất do nghỉ việc và rất nhiều các khoản chi phí khác nữa.

Điều tra của Bộ Y tế cho thấy chi phí cho một bệnh nhân sốt xuất huyết dengue giao động từ 40,7 USD đến 122,5 USD (nghĩa là từ 900.000 đến 2.700.000 đồng) tùy theo độ nặng và tuổi của người bệnh. Bên cạnh đó còn chi phí của Chính phủ để duy trì hoạt động của hệ thống khám chữa bệnh chưa được tính đến.

Như vậy, với 94.868 người bệnh được ghi nhận trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2012, ước tính người dân phải chi phí tổng số tiền là khoảng 70-80 triệu đô la Mỹ tương đương 1.400 - 1.600 tỷ đồng Việt Nam một năm. Như vậy sẽ giảm được gần 160 tỷ đồng chi phí từ người dân cho mỗi 10.000 trường hợp mắc bệnh được phòng ngừa. Vì vậy, năm 2013 ước tính giảm được gần 500 tỷ đồng và năm 2014 giảm được gần 1.000 tỷ đồng chi phí của người dân cho việc chăm sóc, điều trị bệnh sốt xuất huyết dengue so với giai đoạn 2010-2012.

Tiêu diệt muỗi - giảm gánh nặng kinh tế

Dễ mắc từ muỗi vằn đốt truyền bệnh, với các biểu hiện nặng nề sốt cao, giảm tiểu cầu... khiến việc điều trị kéo dài và tốn kém. Trong khi đó, SXH là bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, đường lây truyền dễ dàng qua muỗi vằn đốt. Chưa kể, do không có miễn dịch lâu dài nên về lý thuyết, một người có thể mắc 1 hoặc cả 4 tuýp SXH nên nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.

Trong khi đó, loại muỗi vằn truyền SXH là loại muỗi “siêu đẻ”. Trung bình vòng đời một con muỗi vằn sống được 2 tháng và trong thời gian đó nó có để đẻ 6 - 8 lần để trứng. Đây là lý do muỗi sinh sôi phát triển rất nhiều, nếu không có ý thức diệt ngay thời kỳ còn là bọ gậy, loăng quăng thì việc diệt muỗi để hạn chế SXH rất khó khăn. Bệnh SXH không thể hết nếu còn muỗi, còn bọ gậy.

“Trứng muỗi có đặc điểm bám vào thành chum vại sống đến 6 tháng để khô, chỉ cần khi có nước phát triển thành bọ gậy, loăng quăng rồi hình thành muỗi. Vì thế, muỗi thường sống trong nhà và xung quanh hộ gia đình, rất hiếm khi thấy muỗi sống môi trường xa nhà.

Với tập quán, thói quen sinh hoạt của người Việt Nam như hay trữ lọ nước trong bình cắm hoa, lọ cây cảnh cây sống đời để tháng này qua tháng kia, khay nước điều hòa, cây tre phạt một nửa còn một ống chứa nước, lon nước ngọt vứt ngoài vườn tích tụ nước mưa… sẽ là môi trường lý tưởng  để muỗi sinh sôi phát triển.

Ông Phu cho biết, khi ông đi kiểm tra thực tế tình hình SXH tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tập quán của người dân về tích nước, có các dụng cụ đọng nước là rất phổ biến. Trong khi đó, còn muỗi thì còn SXH, còn tốn kém chi phí điều trị. Vì thế, việc quan trọng nhất là phải loại bỏ hoàn toàn môi trường để cho muỗi đẻ trứng (môi trường nước trong như trên, muỗi không đẻ trứng ở ao tù, cống rãnh nước đọng). Hãy đổ nước bình hoa, úp chum lọ không dùng đến, dọn sạch sẽ các dụng cụ có nguy cơ đọng nước ở vườn tược, thả cá vào bình chứa nước...

Tú Anh