Sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát tại Thanh Hóa

(Dân trí) - Tại Thanh Hóa, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết nhập viện tăng đột biến. Chỉ tính trong hai tháng 6 và 7, một số bệnh viện trên địa bàn Thanh Hóa tiếp nhận cả chục ca mắc bệnh này.

Sốt xuất huyết đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với số ca mắc bệnh và tử vong liên tục tăng.

Địa bàn Tĩnh Gia nhiều năm là cái “rốn” dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết do có sự giao thương rộng rãi về kinh tế, du lịch với các tỉnh trong nước và các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, do tập quán sinh hoạt của người dân làm nghề chế biến nước mắm thủ công nên rất nhiều gia đình lưu trữ dụng cụ chứa nước như: lu, vại, chum… gây khó khăn cho công tác diệt loăng quăng, bọ gậy. Do đó, nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết tại địa bàn này rất cao.

Sốt xuất huyết cần được phát hiện kịp thời đặc biệt với trẻ nhỏ
Sốt xuất huyết cần được phát hiện kịp thời đặc biệt với trẻ nhỏ

Bởi vậy, từ đầu năm đến nay, mặc dù chưa ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết nào nhưng hơn 1 tháng trở lại đây, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng rõ rệt. Tính riêng từ trung tuần tháng 6 đến nay, tại địa phương này đã có 9 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Đây đều là những trường hợp mắc bệnh vãng lai.

Để đối phó với tình trạng trên, ngành y tế huyện Tĩnh Gia đã phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất chủ động phòng chống dịch tại các xã trọng điểm.

Tại bệnh viện Nhi Thanh Hóa, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cũng tăng đáng kể. Trong tháng 6 và 7, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết được ghi nhận đã trên 10 ca, chiếm gần một nửa số ca sốt xuất huyết nhập viện từ đầu năm đến nay.

Ngành y tế huyện Tĩnh Gia liên tục triển khai công tác vệ sinh, phun hóa chất phòng chống dịch tại các xã trọng điểm
Ngành y tế huyện Tĩnh Gia liên tục triển khai công tác vệ sinh, phun hóa chất phòng chống dịch tại các xã trọng điểm

Điều đáng nói, dấu hiệu của bệnh không rõ rệt mà dễ nhầm lẫn với bệnh thông thường khác nên nhiều người khi bị nhiễm bệnh vẫn còn lơ là trong chữa trị cho bản thân, hoặc thậm chí là đã khám nhưng không được chữa trị đúng cách. Điều này đặc biệt nguy hiểm với trường hợp bệnh nhân là trẻ nhỏ".

Bác sỹ Trịnh Văn Lực, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện nhi Thanh Hóa cho biết: “Bệnh sốt xuất huyết có nhiều dấu hiệu dễ nhầm với bệnh thông thường như sốt cao, cảm cúm. Lúc mới bị thì chưa rõ dấu hiệu, đến lúc bệnh bùng lên thì mọi người mới để ý.

Bác sỹ Lực cũng khuyến cáo hiện dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang có diễn biến rất phức tạp. Với các cháu nhỏ thì các mẹ nên chú ý việc sốt cao kéo dài ngày đi kèm đau đầu, đau mỏi khớp đặc biệt là các chấm nốt xuất huyết, chảy máu lợi, chảy máu chân răng… Những trường hợp đó thì cần phải đi khám để phát hiện bệnh sớm.

Nguyễn Thùy