Sốt, đau đầu kéo dài vì giun lươn chui lên não

(Dân trí) - Suốt 20 ngày trước khi vào viện và trong hơn 10 ngày điều trị tại bệnh viện tuyến dưới, bệnh nhân N.T.Q (19 tuổi, Quảng Ninh) liên tục sốt, đau đầu với chẩn đoán ban đầu là viêm màng não không rõ căn nguyên.


Bệnh nhân đang được điều trị tại  khoa Cấp Cứu

Bệnh nhân đang được điều trị tại  khoa Cấp Cứu
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân này được chuyển đến khoa hôm 3/5 trong tình trạng sốt, đau đầu cả tháng trời. Từ đầu tháng 4 bệnh nhân bỗng xuất hiện cơn đau đầu, sốt, dùng thuốc giảm đau liên tục nhưng tình trạng không cải thiện. Sau gần 20 ngày đau đầu, sốt, bệnh nhân được gia đình đưa đến bệnh viện tuyến cơ sở khám, được chẩn đoán viêm màng não chưa rõ căn nguyên, điều trị hơn 10 ngày không có kết quả nên được chuyển viện.
 
“Thời điểm nhập viện, bệnh nhân có sốt, đau đầu, buồn nôn, hai chân yếu khó đi lại và có dấu hiệu sụp mi. Những đặc điểm này khiến chúng tôi nghĩ đến khả năng bệnh nhân bị viêm màng não nên đã tiến hành xét nghiệm chẩn đoán tìm nguyên nhân”, BS Cấp nói.
 
Kết quả xét nghiệm đã khẳng định bệnh nhân bị viêm màng não do giun lươn. Bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc trị ký sinh trùng, điều trị triệu chứng viêm màng não đến nay tình trạng sốt đã đỡ nhưng vẫn còn đau đầu, hai chân yếu.
 
BS Cấp cho biết, giun lươn là loại giun rất nhỏ, dài 3 - 5cm, nhỏ như que tăm. Bình thường con người là vật chủ của loài giun lươn này, nhưng đôi khi nó có thể có ở chó, mèo, khỉ. Khi vật chủ thải phân ra môi trường mang theo trứng giun, nó lại xâm nhập ngược trở lại người khi ăn phải những thức ăn có chứa trứng giun này. Giun lươn cũng giống như giun đũa bình thường, lây nhiễm trong ruột người. Khi xâm nhập vào vật chủ, ấu trùng trứng giun có thể xuyên qua ruột vào mạch huyết di chuyển, cư trú bất cứ bộ phận nào trong cơ thể. 
 
"Với trường hợp bệnh nhân này, ấu trùng giun lươn đã di chuyển lên não gây bệnh viêm màng não cho người bệnh. Có những trường hợp, ấu trùng giun lươn "dừng chân" tại phổi gây viêm phổi. Chỉ khi vẫn ở trong ruột, ấu trùng giun lươn mới phát triển thành giun trưởng thành, còn khi ra khỏi ngoài ruột, chỉ là ấu trùng gây các triệu chứng bệnh. Cũng có những trường hợp, ấu trùng giun lươn chui ngay dưới cơ, da tạo thành những đường ngoằn nghèo, nổi mẩn, sưng nề", BS Cấp nói.
 
Những người nhiễm giun lươn, giun đũa hay sán... đều thường hay tái nhiễm do thói quen ăn uống (ăn rau sống, thực phẩm có nguy cơ nhiễm ấu trùng trứng giun), do bàn tay bẩn... vì thế để phòng bệnh, cần phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh tiếp xúc với môi trường đất, cần rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, quản lý tốt nguồn phân, không dùng phân tươi để tưới rau… 
 
"Các ca bị viêm màng não do ấu trùng giun lươn không nhiều, mỗi năm tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận từ 5 - 10 ca. Đáng nói, việc nhiễm ấu trùng giun lươn hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng các biện pháp ăn chín uống sôi, vệ sinh như đã kể trên. Đồng thời mỗi người nên định kỳ tẩy giun từ 6 tháng - 1 năm một lần để giảm những nguy cơ trên", BS Cấp cảnh báo.
 
Hồng Hải