TPHCM:

Sống lành mạnh để chặn đứng mức tăng “siêu tốc” của đái tháo đường

(Dân trí) - Nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực. Do đó, chủ đề của Ngày phòng chống đái tháo đường thế giới 14-11 năm nay là “Sống lành mạnh và đái tháo đường”.

Theo đó, các hoạt động và tài liệu cho Ngày phòng chống đái tháo đường thế giới năm nay đề cập cụ thể vào chủ đề ăn uống lành mạnh để dự phòng đái tháo đường týp 2 và quản lý điều trị hiệu quả nhằm giảm biến chứng.

Bởi hầu hết các trường hợp của bệnh tiểu đường týp 2 có thể được ngăn chặn và các biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường có thể tránh được thông qua thực hiện lối sống lành mạnh và môi trường sống khuyến khích và tạo điều kiện cho hành vi lành mạnh.

Sống lành mạnh để chặn đứng mức tăng “siêu tốc” của đái tháo đường
Trong khi người lớn trong độ tuổi ngoài 40 rất chịu khó tầm soát đái thái đường thì trẻ em chỉ phát hiện ra bệnh khi đã sút cân, mệt mỏi

Có khoảng 12% trẻ mắc bệnh đái tháo đường

Chương trình “Làng thay đổi bệnh Đái tháo đường” đã diễn ra tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ… thu hút hàng chục ngàn người tham gia trong suốt những ngày đầu tháng 11 này.

Tại chương trình “Làng thay đổi bệnh đái tháo đường” do Bộ Y tế phối hợp với bệnh viện Nội tiết Tư tổ chức sáng nay (14/11), BS Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết TƯ cho biết xu hướng trẻ hoá bệnh nhân đái tháo đường đang gia tăng đáng lo ngại, ước chừng có khoảng 12% trẻ bị đái tháo đường.

Trên thực tế, bệnh viện Nội tiết TƯ đã tiếp nhận những trẻ mới chỉ có 11 tuổi đã bị mắc tiểu đường tuýp 2, tức là hoàn toàn không liên quan với yếu tố bẩm sinh và không chỉ trẻ ở các thành phố lớn như Hà Nội mà cả trẻ ở các tỉnh như Thanh Hoá, Phú Thọ cũng mắc bệnh này. Nguyên nhân của tình trạng này chính là do thừa cân, béo phì; giảm vận động do xem tivi, chơi game, học quá nhiều.



TPHCM: Tăng 300% trong 10 năm

Với gần 8% dân số ở độ tuổi trưởng thành mắc đái tháo đường, TPHCM đã trở thành địa phương có tỷ lệ người mắc bệnh cao nhất cả nước. Thói quen ăn uống giàu chất dinh dưỡng nhưng lười vận động đang để lại hậu quả nặng nề.

Do đó, để hỗ trợ kiến thức, giúp người dân biết cách phòng và phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, sáng 13/11, Sở Y tế TP HCM đã tổ chức mít tinh hưởng ứng ngày Quốc tế Đái tháo đường (14/11). Ngành Y tế kêu gọi người dân “Hãy kiểm soát bệnh đái tháo đường ngay từ bây giờ”.

Đái tháo đường đang gia tăng theo cấp số nhân tại TPHCM
Đái tháo đường đang gia tăng theo cấp số nhân tại TPHCM

Tại buổi mít tinh, các chuyên gia dinh dưỡng đã trình bày về một chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý giúp phòng ngừa đái tháo đường cũng như các loại bệnh mạn tính không lây. Bên cạnh đó, người dân còn được thử đường huyết, đo huyết áp, tư vấn miễn phí các vấn đề có liên quan đến bệnh đái tháo đường.

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam hiện khoảng 5% dân số và tiền đái tháo đường là 27%. Tại TPHCM tỷ lệ này cao hơn nhiều thống kê cho thấy ở người trưởng thành có sức khỏe bình thường thì tỷ lệ đái tháo đường là 7,9%, tỷ lệ tiền đái tháo đường là 35,6%. 

Chỉ sau 10 năm tốc độ gia tăng của bệnh đái tháo đường trên địa bàn thành phố đã lên tới 300%. Đây là hậu quả của lối sống lười vận động nhưng khẩu phần ăn lại giàu dinh dưỡng gây ra tình trạng thừa cân béo phì kéo theo bệnh lý đái tháo đường.

Nhân Hà - Vân Sơn