AstraZeneca dừng lưu hành vaccine Covid-19 trên toàn cầu
(Dân trí) - AstraZeneca thông báo quyết định dừng lưu hành vaccine Covid-19 trên toàn cầu vì lý do thương mại.
Vaccine Covid-19 của Oxford-AstraZeneca sẽ được chấm dứt phê duyệt sử dụng trên toàn cầu, theo Telegraph.
Trước đó tập đoàn dược phẩm này lần đầu tiên thừa nhận trong tài liệu pháp lý đệ trình lên Tòa án tối cao rằng, vaccine Covid-19 của họ: "Trong những trường hợp rất hiếm có thể gây ra huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS)".
Từ ngày 7/5, loại vaccine này không còn được sử dụng trong Liên minh châu Âu (EU), sau khi công ty tự nguyện rút "giấy phép kinh doanh" tại khu vực này.
"Đơn xin rút giấy phép kinh doanh vaccine Covid-19 tại khu vực EU đã được AstraZeneca nộp vào ngày 5/3 và có hiệu lực vào thứ ba vừa qua", Telegraph thông tin.
Các đơn tương tự sẽ được nộp trong vài tháng tới tại Vương quốc Anh và các quốc gia khác đã chấp thuận loại vaccine này.
Mặc dù vậy, AstraZeneca cho biết việc họ dừng lưu hành vaccine này là vì lý do thương mại. AstraZeneca nói rằng, hiện đã có nhiều dòng vaccine khác hữu hiệu hơn, có khả năng phòng chống nhiều biến chủng SARS-CoV-2 mới hơn vaccine của mình. Do đó, nhu cầu của thị trường với vaccine của AstraZeneca đã không còn.
Vaxzevria (tên gọi vaccine Covid-19 của AstraZeneca) đã nhận được sự quan tâm lớn trong thời gian qua, vì một phản ứng phụ rất hiếm gặp, gây ra huyết khối và tiểu cầu thấp.
TTS đã được liên kết với ít nhất 81 trường hợp tử vong tại Vương quốc Anh cũng như hàng trăm trường hợp chấn thương nghiêm trọng. AstraZeneca đang bị kiện bởi hơn 50 nạn nhân và người thân trong một vụ kiện tại Tòa án tối cao.
Tuy nhiên, AstraZeneca khẳng định quyết định rút giấy phép lưu hành vaccine không liên quan đến vụ kiện hoặc sự công nhận của họ rằng vaccine có thể gây ra TTS. Họ nói rằng động thái này tình cờ trùng với sự kiện trên.
Trong một tuyên bố, AstraZeneca cho biết: "Chúng tôi rất tự hào về vai trò của Vaxzevria trong việc chấm dứt đại dịch toàn cầu. Theo ước tính độc lập, hơn 6,5 triệu sinh mạng đã được cứu trong năm đầu tiên sử dụng và hơn ba tỷ liều đã được cung cấp trên toàn cầu.
Công sức của chúng tôi đã được các chính phủ trên khắp thế giới công nhận và được coi là một yếu tố quan trọng trong việc chấm dứt đại dịch toàn cầu".
Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố vaccine an toàn và hiệu quả cho tất cả các cá nhân từ 18 tuổi trở lên và tác dụng phụ (liên quan vụ kiện) là "rất hiếm hoi".
Sau khi triển khai tiêm loại vaccine này vài tháng, các tác dụng phụ nghiêm trọng của loại vaccine này đã được các nhà khoa học xác định. Điều này dẫn đến khuyến nghị những người dưới 40 tuổi được đề xuất một loại vaccine thay thế.
Trước thông tin AstraZeneca đã lần đầu tiên thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây cục máu đông, ngày 3/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đây là tác dụng phụ mà Việt Nam khi tổ chức tiêm vaccine Covid-19 của Astra Zeneca cũng đã được cảnh báo.
"Ngay từ đầu, chúng ta đã rất thận trọng trong tiêm chủng, mọi người đều phải khám sàng lọc rất kĩ trước khi tiêm chủng. Quy trình tiêm chủng được xây dựng chặt chẽ, người dân được kiểm tra trước tiêm, giám sát sức khỏe chặt chẽ sau tiêm", PGS Khuê cho biết.
Đã có hàng chục triệu liều vaccine của AstraZeneca được tiêm chủng tại Việt Nam nhưng chỉ mới ghi nhận một vài trường hợp có phản ứng phụ liên quan đến huyết khối sau tiêm.