Sống chung với bệnh nhân viêm gan virus cần lưu ý gì?

Minh Nhật

(Dân trí) - Nếu là người Việt trong một gia đình đông đúc, chúng ta có thể đã và đang chung sống với người bệnh viêm gan B hoặc C, mà không hề hay biết.

Vì đa số bệnh nhân viêm gan tuy có bệnh, nhưng không hề đau đớn, họ có thể tiếp tục lây bệnh của mình cho người khác một cách tương đối dễ dàng.

Theo thống kê, mỗi 6-7 người Việt có 1 người bị viêm gan B. Mỗi 20-40 người Việt lại có 1 người bị viêm gan C. Do đó, nhiều gia đình Việt Nam đang có ít nhất 1 người đang mắc viêm gan B, C.

Sống chung với bệnh nhân viêm gan virus cần lưu ý gì? - 1

Tuy viêm gan siêu vi là bệnh truyền nhiễm, bệnh không nguy hiểm như bệnh AIDS hoặc ghê sợ như bệnh phong. Bệnh không có đặc tính "di truyền", nên anh chị em trong nhà không nhất thiết phải mang cùng một căn bệnh. Tùy theo từng loại virus khác nhau, bệnh có thể lây từ người này qua người kia, bằng cách này hoặc cách khác. Vì thế, khi sống với người bị viêm gan, chúng ta không những phải biết cách giúp đỡ người bệnh vượt qua những trở ngại khó khăn, mà còn phải thông hiểu những cách thức bảo vệ cho chính mình.

Sau đây là những điều các bạn nên chú ý khi sống cùng người bị các bệnh viêm gan virus:

Bệnh viêm gan A lây qua đường tiêu hóa nên rất dễ lây. Bệnh dễ lây nhất một vài tuần lễ trước khi bệnh nhân có những triệu chứng của bệnh viêm gan cấp tính. Vì bệnh viêm gan A có thể tiêm phòng một cách dễ dàng, mọi người nên đi khám bác sĩ để được tư vấn chủng ngừa.

Bệnh viêm gan B lây qua máu và sinh lý, nên khó lây hơn bệnh viêm gan A. Vắc xin phòng viêm gan B rất hiệu nghiệm và an toàn nên chúng ta cần chủng ngừa càng sớm càng tốt.

Không nên quan hệ tình dục trong lúc người bệnh viêm gan C đang có kinh kỳ. Nếu người phụ nữ viêm gan C đang có kinh, sau khi tắm xong, nên dùng nước rửa sạch một số máu nhỏ có thể dính dưới sàn nhà.

Nên dự trữ một ít găng tay y tế trong nhà, để sử dụng trong trường hợp phải chăm sóc những vết thương của bệnh nhân viêm gan B và C. 

Sống chung với bệnh nhân viêm gan virus cần lưu ý gì? - 2

Nên sử dụng riêng đồ vệ sinh cá nhân để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Vì viêm gan B, C, D gần như không bao giờ lây qua mồ hôi và nước bọt, nên va chạm thể xác trong đời sống hàng ngày với những bệnh nhân viêm gan B, C và D có thể xem là không có nguy cơ. Ăn uống chung hoặc chấm chung một chén nước mắm cũng được xem là rất an toàn. Vì thế, chúng ta không phải cô lập bệnh nhân viêm gan. Bắt họ nấu nướng riêng biệt và dùng những chén bát riêng.

Viêm gan E lây qua thức ăn và nước uống ô nhiễm. Khác với viêm gan A, bệnh này vẫn có thể tiếp tục lây bệnh trong nhiều tuần lễ, sau khi người bệnh đã phát ra những triệu chứng viêm gan cấp tính. Vì khả năng tử vong cho cả mẹ lẫn bé sơ sinh có thể tăng lên rất cao, nhất là trong 3 tháng cuối cùng của thai kì, những phụ nữ đang mang thai nên rất thận trọng về vấn đề vệ sinh, nếu trong nhà có người đang bị viêm gan E.