Son môi tự chế liệu có an toàn?
Hoang mang trước thông tin về mỹ phẩm chứa chì (Pb), chất bảo quản, hóa chất gây ảnh hưởng đến da, sức khỏe. Gần đây việc sử dụng son môi tự chế (son môi handmade) đang được giới trẻ ưa chuộng và tin tưởng vì chúng được quảng cáo là làm từ nguyên liệu thiên nhiên.
Chỉ nghe qua quảng cáo
Hoàng Ngọc Anh Chi, sinh viên năm cuối Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội TPHCM, một tín đồ của mỹ phẩm handmade, biết khá nhiều loại son môi tự chế cho biết: Đọc trên mạng nói son môi nào cũng chứa chì gây thâm môi nên đã chuyển qua sử dụng son môi handmade của các bạn rao bán trên mạng. “Dù gì các sản phẩm làm từ thiên nhiên vẫn an toàn hơn các sản phẩm khác”.
Chi cho biết son mình mua từ trước đến giờ đều qua mạng, đặt hàng rồi được ship đến tận nhà chứ cũng không biết địa điểm sản xuất cụ thể ở đâu.
Tương tự như Chi, có khá nhiều bạn trẻ sử dụng và tin tưởng son môi handmade qua “kiểm định truyền miệng”. Bạn Lê Thị Thanh Thanh (SV năm nhất Trường ĐH KHXH&NV, người cũng đang sử dụng son môi handmade, cho hay: “Tâm lý của mình rất đơn giản, đồ tự nhiên thì lúc nào cũng an toàn hơn những sản phẩm cùng loại khác. Giờ trên mạng xã hội son handmade bán rầm rộ, được giới trẻ ưa chuộng nên mình tin dùng” - Thanh nói.
Có một điều đặc biệt là hầu hết các bạn trẻ sử dụng son handmade đều không biết gì về người sản xuất, địa chỉ sản xuất và nguyên liệu thực sự làm nên các sản phẩm này như thế nào, xuất phát từ đâu.
Theo tìm hiểu của Pháp Luật TPHCM, hầu hết son handmade được bán qua mạng, chứ không có cơ sở sản xuất và địa điểm nhất định. Tìm đến chi nhánh son gấc handmade TN tại TP.HCM, địa điểm đầu mối cung cấp son qua Facebook chỉ là một căn nhà bình thường trên đường Nguyễn Thị Tú (Tân Phú, TP.HCM). Kim Ngân, người trực tiếp nhận và ship hàng qua mạng, cho biết: “Mình bán son handmade được hơn ba năm nay, son của chỗ mình đã được kiểm định chất lượng, không chì, an toàn 100% với người sử dụng”. Ngân khẳng định chắc chắn về chất lượng mỹ phẩm mình đang bán.
Tuy nhiên, có một điều khá ngạc nhiên là bạn cũng chỉ là một CTV bán hàng cho son gấc TN, chưa bao giờ tận mắt quan sát cách làm son và không có cách gì chứng tỏ chất lượng son handmade mình đang bán đúng như những gì mình rao trên mạng. Những tháng cuối năm này, son gấc handmade TN có thể bán 2.000-4.000 cây mỗi tháng.
Đủ thể loại trên đời
Tiếp tục liên hệ với một địa điểm bán son tự chế khác trên đường Lê Lư, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, bạn Huỳnh Phương Uyên cho chúng tôi xem các loại son handmade mình đang kinh doanh, với đủ các thể loại son không màu, son sáp có màu, son sáp cao cấp... được đựng trong một giỏ nhựa. Giá các loại son này dao động từ 15.000 đồng đến 160.000 đồng/cây.
Uyên cho biết bán son là công việc làm thêm của mình để lấy thêm thu nhập và chưa bao giờ tự tay làm. Hằng tháng Uyên nhập hàng từ Gia Lai về TP.HCM và bán cho khách, chủ yếu là là các bạn gái trẻ, nữ học sinh, sinh viên.
Tiếp xúc với Trần Nguyễn Ngọc Vy, học sinh Trường THCS - THPT Hoàng Diệu 2 để xem cách làm son môi tự chế. Vy cho biết các nguyên liệu làm son bao gồm: sáp ong, tinh chất cam, kẽm oxit, vị son (cam, đậu nành, dừa...) và màu khoáng. Tất cả những nguyên liệu này được Vy mua qua mạng từ một cửa hàng bán phụ kiện làm son handmade. Những nguyên liệu này được chủ cửa hàng khẳng định được nhập từ Mỹ về và được FDA công nhận sử dụng an toàn cho môi.
Sau nhiều công đoạn khá đơn giản như trộn, nấu, vô khuôn, tất cả mọi người đều có thể làm ra được một cây son “100% tự nhiên”, đảm bảo chất lượng và an toàn cho môi như lời chào bán trên mạng.
Son môi handmade được rao bán với rất nhiều mẫu mã đa dang, phong phú như son dưỡng, son sáp có màu, son sáp không màu, son cao cấp... với nhiều mảng màu khác nhau linh hoạt theo từng màu khoáng và tinh chất mùi được chiếc xuất với đủ các hương liệu.
Không thể khẳng định an toàn 100%
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về loại mỹ phẩm tự chế này, TS-BS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa và Bộ môn Tạo hình - Thẩm mỹ, Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật bàn tay TP.HCM, BV Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: “Sử dụng son môi handmade có thể một số người sẽ hợp còn một số khác sẽ không hợp. Đây là điều rất rõ ràng. Tuy nhiên, cần lưu ý về nguồn gốc các chất liệu làm son handmade. Người bán nói đây son môi được được làm từ màu khoáng đạt tiêu chuẩn, nhập từ nước ngoài về nhưng làm sao mình có thể xác định được chắc chắn nó là như thế”.
Cũng theo BS Tuấn, nếu như khẳng định sản phẩm đó chắc chắn an toàn 100% thì trách nhiệm của người phát ngôn đó phải rất lớn. Khó ai có thể xác định được độ an toàn của các nguyên liệu làm nên một cây son kiểu này. Hiện trên thị trường có rất nhiều loại màu khoáng, vậy để xác định được màu khoáng dùng làm son xuất phát từ Mỹ hay từ cơ quan hợp pháp là một khó khăn rất lớn.
Trào lưu làm mỹ phẩm từ thiên nhiên là rất hay, có điều phải xem vật liệu đó có an toàn, đạt tiêu chuẩn hay không, được chấp thuận hay chưa, nguồn gốc phải rõ ràng. Có một vấn đề nên lưu ý, ngay cả khi son môi tự chế được làm từ những vật liệu tiêu chuẩn thì nó vẫn có thể phù hợp với người này những lại gây kích ứng với người khác. BS Tuấn cho biết thêm.
“Da ở môi có một đặc điểm là mỏng hơn so với da ở những bộ phận khác, vì vậy cần phải cẩn thận trước khi quyết định sử dụng những sản phẩm tự chế như vậy”, BS Tuấn cảnh báo.
Theo Hà Phượng
Pháp luật TPHCM