Sợ phiền hà, dân ngại mua bảo hiểm y tế

Theo kế hoạch, dự kiến hôm nay (4/3), Thủ tướng Chính phủ sẽ làm việc với Bộ Y tế về Luật BHYT sửa đổi (có hiệu lực từ 1/1/2015) sau hơn ba tháng triển khai. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Văn Toàn, Vụ phó Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết để Luật BHYT sửa đổi sớm đi vào cuộc sống cần phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn cho người dân.

Chậm nhất đến ngày 30/10, UBND cấp xã phải lập xong danh sách tham gia BHYT để có căn cứ bán thẻ BHYT cho người dân.

Người dân tham gia BHYT chậm lại

Phóng viên: Thưa ông, tiến độ triển khai bán BHYT theo quy định mới đến thời điểm này ra sao?

Ông Phan Văn Toàn: Đến nay, Bộ Y tế chưa cập nhật được số người đăng ký tham gia BHYT. BHXH Việt Nam đang tổng hợp để có con số chính thức báo cáo lên Thủ tướng. Nhưng nói chung tiến độ thực hiện BHYT theo hộ gia đình đang bị chậm, chậm cả về hướng dẫn và chậm về triển khai thực hiện do thiếu kinh nghiệm triển khai BHYT theo hộ gia đình.

Tiến độ triển khai chậm so với mục tiêu đề ra là do đâu, thưa ông?

Luật BHYT sửa đổi có quy định thực hiện BHYT theo hộ gia đình. Đây là một điểm mới đòi hỏi cần phải có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết để việc thực hiện được thuận lợi. Hiện nay, UBND cấp xã chưa lập được danh sách đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình. Người dân thì thiếu thông tin về cách kê khai, lập danh sách, mua BHYT ở đâu… Bên cạnh đó, thu nhập thấp của người dân cũng là một trong những khó khăn để thực hiện bán BHYT theo hộ gia đình.

Theo quy định, đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình phải có tên trong sổ hộ khẩu và sổ tạm trú. Nhưng việc xác nhận của chính quyền đối với người có tên trong sổ hộ khẩu và sổ tạm trú gặp khó khăn do người dân chưa thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng... Khối lượng công việc này là rất lớn. Chúng tôi quy định chậm nhất đến ngày 30-10, UBND cấp xã phải lập xong danh sách tham gia BHYT để có căn cứ bán thẻ BHYT cho người dân. Trong khi chờ danh sách, người dân đành phải mang sổ hộ khẩu đến cơ quan BHXH để đăng ký BHYT.

Người dân ngại mua BHYT do còn một số quy định gây phiền hà.
Ảnh: PHONG ĐIỀN
Người dân ngại mua BHYT do còn một số quy định gây phiền hà. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Có tình trạng quan liêu

Người dân cho rằng việc thực hiện quy định mới về BHYT có nhiều bất cập. Nhiều người gặp khó khi mua BHYT do thủ tục phức tạp, rườm rà. Cũng có ý kiến cho rằng chính sách mang tính quan liêu, bao cấp…

Thực tế có trường hợp đó xảy ra nhưng chỉ ở một số đại lý chứ không phải tất cả. Nguyên nhân là do sợ trách nhiệm. Ví dụ ở TP.HCM, cơ quan BHXH yêu cầu người tham gia BHYT phải chứng minh tình trạng tham gia BHYT của người thân bằng cách phôtô thẻ BHYT, xin xác nhận tại nơi làm việc hoặc cơ quan chức năng. Yêu cầu này là máy móc, không thể hiện đúng tinh thần của pháp luật về BHYT.

Luật BHYT đã giao trách nhiệm cho UBND xã là cơ quan có thẩm quyền lập danh sách tham gia BHYT tại địa phương. Do đó người dân không có trách nhiệm phải chứng minh tình trạng tham gia BHYT của các thành viên trong gia đình mà chỉ cần khai báo các thành viên trong gia đình thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT nào và xin xác nhận một lần tại UBND cấp xã theo biểu mẫu của BHXH Việt Nam.

Một số đại lý bán BHYT yêu cầu người dân phải chứng minh thời gian tham gia năm năm liên tục mới được hưởng quyền lợi ưu tiên. Ngoài ra có người dân không có điều kiện để mua cả năm. Có giải pháp nào tháo gỡ cho những đối tượng này không?

Việc xác định thời gian tham gia BHYT năm năm là trách nhiệm của cơ quan BHXH. Người mua chỉ cần khai báo, cơ quan BHXH phải kiểm chứng thời gian tham gia của đối tượng trên hệ thống dữ liệu. Với những người điều kiện khó khăn có thể mua trong ba tháng, sáu tháng, một năm. Tuy nhiên, việc đóng ba tháng, sáu tháng cũng gây lãng phí cho ngân sách, thay vì mỗi năm in một thẻ thì nay in bốn thẻ.

Thực tế trong xã hội có rất nhiều người không có hộ khẩu, không có giấy tờ tùy thân. Với quy định hiện nay, họ không thể tham gia BHYT?

Đây là vướng mắc chưa có cách tháo gỡ. Bộ Y tế đề xuất họ lập danh sách rồi lên UBND cấp xã xác nhận nhưng hiện UBND cấp xã khó xác nhận do không có căn cứ. Về phía cá nhân tôi, giải pháp là họ đóng tiền tham gia BHYT thì cấp thẻ cho họ với ảnh kèm theo. Khi họ sử dụng thẻ BHYT này không phải trình giấy tờ nào nữa. Tuy nhiên, giải pháp này chưa được quy định thành văn bản.

Để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện BHYT theo hộ gia đình, mới đây Bộ Y tế đã có công văn gửi BHXH Việt Nam, UBND các tỉnh đề nghị phối hợp chỉ đạo thực hiện đúng luật, đặc biệt tập trung hướng dẫn thực hiện BHYT theo hộ gia đình.

Theo đó, người tham gia BHYT theo hộ gia đình nếu đã có người tham gia BHYT tự đóng 100% mức đóng, sau 1-1-2015 nếu tiếp tục tham gia thì cho phép thực hiện cho cá nhân người đó. Những người còn lại trong hộ gia đình phải thực hiện theo cả hộ gia đình. Người được ngân sách địa phương hỗ trợ 100% mức đóng như đảng viên trên 30 năm tuổi Đảng, người từ đủ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi… mà không thuộc nhóm đối tượng nêu trên thì cho phép tham gia theo hình thức cá nhân. Người thuộc hộ gia đình cận nghèo; hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình thì tham gia BHYT theo hình thức cá nhân.

Ông PHAN VĂN TOÀN, Vụ phó Vụ BHYT (Bộ Y tế)

Theo Huy Hà

Pháp luật TPHCM