1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sẽ “tẩy độc” cho trẻ nhiễm chì tại làng nghề Đông Mai

(Dân trí) - Khoảng 70 trẻ em, trong đó có 33 trẻ nhiễm chì nặng tại thôn Đông Mai (Hưng Yên) sẽ được lấy máu xét nghiệm chì miễn phí, tìm “ngưỡng” nhiễm chì để có biện pháp thải độc hiệu quả, nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của chì với sự phát triển trí tuệ, thể chất của trẻ.

Tái chế chì từ ắc quy, cả làng bị ô nhiễm!

Trước đó từ năm 2007-2008, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu về mức độ ô nhiễm môi trường tại thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức ô nhiễm chì trong không khí vượt tiêu chuẩn gần 3-5 lần; có nơi 10 lần. Nhiều loại cá, rau... nuôi trồng cũng nhiễm chì vượt mức cho phép 4-6 lần.
 
Một trẻ được điều trị ngộ độc chì cấp tính tại BV Bạch Mai.
Một trẻ được điều trị ngộ độc chì cấp tính tại BV Bạch Mai.

Kết quả xét nghiệm ngẫu nhiên từ năm 2012 cho thấy có 109 trẻ dưới 10 tuổi phơi nhiễm chì. Theo tiêu chuẩn hàm lượng chì trong máu của trẻ không được quá 10mg/dl thì có đến 33 cháu vượt ngưỡng 4-5 lần, cần được thải độc và 27 trẻ thiếu máu.

Không riêng gì trẻ em mà nhiều người lớn tại đây cũng bị nhiễm độc chì. Nguyên nhân là do đây là làng nghề, người dân làng Đông Mai có một nghề phụ là tái chế chì từ những bình ắc quy hỏng. Tuy nghề tái chế đã giúp nhiều hộ thoát cảnh đói kém nhưng những hệ lụy của việc tái chế chì để lại rất lâu dài. Trong đó, các kết quả xét nghiệm về mức độ ô nhiễm chì trong môi trường, không khí, rồi cả tỉ lệ trẻ em nhiễm độc chì cho thấy những ảnh hưởng nguy hiểm của nghề tái chế chì.

Theo bà Nguyễn Thị Anh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hưng Yên, đây không phải lần đầu tiên Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tìm cách tẩy độc chì cho trẻ em nhiễm độc chì tại đây. Bởi trẻ nhiễm độc chì có rất nhiều nguy cơ. Trẻ bị nhiễm độc chì thường có những biểu hiện bất thường về tinh thần, thể lực và trí tuệ. Nếu trẻ nhiễm độc ở mức độ nhẹ thì thường khó tính, dễ cáu bẳn, dinh dưỡng kém. Ở mức độ nặng hơn thì có thể bị liệt cơ, mềm nhũn chân tay, thiếu máu, ảnh hưởng sự phát triển trí tuệ, co giật và hôn mê. Đối với người lớn nhiễm độc chì thường chán ăn, mất ngủ, đau đầu, thiếu máu, suy giảm sức khỏe, suy giảm trí nhớ và giảm năng suất lao động.

Trước đây khi phát hiện nhiều trẻ có hàm lượng chì trong máu cao, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường y tế đã phối hợp với Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đưa trẻ đi thải độc chì. Thế nhưng chỉ một số trẻ lên điều trị và bỏ dở liệu trình điều trị, hầu hết chỉ điều trị 1-2 đợt rồi không quay lại. Quá trình điều trị nhiễm độc chì thường kéo dài khoảng 2 năm. Nếu chỉ điều trị một vài tuần sẽ không thể thải loại được nồng độ chì trong cơ thể. 

Trên 200 triệu/lộ trình thải độc chì       

Thế nhưng nếu cứ để tình trạng này kéo dài, trẻ nhiễm độc chì sẽ có nhiều nguy cơ về sức khỏe, trí tuệ, thậm chí trở thành những đứa trẻ phát triển kém. Vì thế, hôm 7/5/2015, UBND tỉnh Hưng Yên đã làm việc với đại diện Bộ Y tế họp bàn giải pháp giảm thiểu mức độ ô nhiễm và việc tẩy độc chì cho trẻ ở làng nghề Đông Mai.

“Cái khó nhất lúc này chính là nhận thức của cha mẹ các em và chi phí điều trị. Chi phí xét nghiệm thông thường cho mỗi cháu chỉ khoảng 800.000 đồng.  Tuy nhiên thải độc chì chi phí rất cao, BHYT mới chỉ chi trả một số thuốc. Vì thế với một trẻ nhiễm độc chì ở ngưỡng cần thải độc, lộ trình điều trị 2 năm, mỗi tháng 2 lần, kinh phí ước tính 244 triệu đồng. Chưa kể, nhận thức của cha mẹ các bé về vấn đề này chưa đầy đủ. Các bậc cha mẹ còn thờ ơ, cho rằng con mình bình thường, không có vấn đề gì nên không cần điều trị. Trường hợp trẻ đau bụng, suy giảm sức khỏe thì họ đổ tại nhà nghèo, không có điều kiện chăm sóc ăn uống nên trẻ như vậy”, bà Anh nói.

Tiến sĩ Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế cho biết, Viện sẽ xét nghiệm lại chì miễn phí và dự kiến hôm 15/5 tới đây sẽ về làng nghề Đông Mai để làm xé nghiệm.

Tuy nhiên theo TS Hải, dù trẻ có được tẩy độc chì rồi lại trở về sống trong môi trường ô nhiễm chì thì đâu vẫn vào đấy. Trẻ vẫn sẽ bị nhiễm chì trở lại. Vì thế, giải pháp trước mắt là tuyên truyền cho người dân, cụ thể những vật dụng, quần áo ở nơi sản xuất, tái chế chì thì không nên mang về nhà, để gần nơi có trẻ nhỏ nhằm giảm bớt nguồn ô nhiễm. Y tế địa phương cần theo dõi sát sức khỏe của trẻ, khi có triệu chứng thì đưa đi khám. Giải pháp quan trọng nhất vẫn là cải thiện vấn đề môi trường. Về lâu dài phải có quy hoạch để người dân không còn làm nghề tái chế chì thì mới không còn nguy cơ.

Tới đây, Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục bổ sung thêm thuốc điều trị thải độc chì vào danh mục thuốc do BHYT chi trả. Nhưng sự hưởng ứng từ các gia đình bệnh nhi còn rất hạn chế vì họ ngại đi lại, phải chịu chi phí ăn ở, điều trị tốn kém. Vì thế hiện Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường đang đề xuất với Bộ Y tế, BV Bạch Mai sẽ xuống tận địa phương giúp triển khai việc điều trị thải độc chì cho người dân. Cụ thể, ngành y tế sẽ cử bác sĩ chuyên khoa xuống tập huấn, chuyển giao cách chữa trị cho BV địa phương để người dân đỡ phải đi lại.

Theo PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc chì thực sự là một thảm họa vì những tác hại lâu dài của nó cho sức khỏe con người. Khi vào cơ thể, chì theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh…  khiến trẻ đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt mắt, mất tiếng nói, sau đó co giật từng cơn, có thể nhầm với bệnh động kinh. Nếu không được điều trị, trẻ dễ hôn mê và tử vong. Trẻ nhiễm độc chì ở mức nặng, có co giật chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Vì thế, việc thải độc chì là cần thiết và cha mẹ cần ý thức tạo cho trẻ môi trường sống không bị ô nhiễm chì.

Trên thế giới mỗi năm có 600.000 trẻ em bị khuyết tật trí tuệ từ tiếp xúc với chì; 99% trẻ bị ảnh hưởng bởi phơi nhiễm chì mức độ cao là thuộc các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ vào cuộc hết sức, chỉ đạo BV Bạch Mai tham gia chuyển giao hướng dẫn bệnh viện cơ sở thải độc chì cho trẻ.

“Việc thải độc chì chắc chắn làm được. Nhưng làm sao để trẻ không bị nhiễm lại. Đó mới là giải pháp cần tính tổng thể và phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm của người dân làng nghề và cả chính quyền địa phương”, TS Hải nói.

Tú Anh