1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sẽ ghép tử cung, ghép phổi ở người lớn

(Dân trí) - GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối tạng quốc gia cho biết sắp tới BV sẽ thực hiện ca ghép phổi ở người lớn. Các kỹ thuật khác như ghép tử cung cũng được tính đến, ghép lại cho chính những người có vấn đề cấp cứu phải cắt bỏ tử cung.

Theo GS Sơn, dự kiến ca ghép phổi cho người lớn đầu tiên sẽ được Bệnh viện Việt Đức tiến hành vào tháng 9/2017. Người trong danh sách ghép phổi là một người đàn ông bị bệnh lý về phổi đã luôn phải sử dụng máy thở để duy trì sự sống.

GS Sơn đánh giá ngành ghép tạng Việt Nam có những bước tiến dài. Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay là nguồn tạng hiến. Ảnh:H.Hải
GS Sơn đánh giá ngành ghép tạng Việt Nam có những bước tiến dài. Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay là nguồn tạng hiến. Ảnh:H.Hải

GS.TS Trịnh Hồng Sơn đánh giá ngành ghép tạng của Việt Nam đã có những bước tiến dài, khó khăn nhất hiện nay là còn thiếu nguồn tạng hiến. Ảnh: H.Hải

Trước đó, tháng 2/2017 Việt Nam đã thành công với ca ghép phổi đầu tiên ở trẻ em, với sự hỗ trợ của chuyên gia Nhật Bản. GS Sơn đánh giá đây là một thành công rất lớn, ngay ở ca đầu tiên. Trong khi đó trên thế giới có Trung tâm ghép tạng phải trải qua 18 ca ghép phổi thất bại mới dẫn đến thành công.

Theo GS Sơn, ca ghép phổi đầu tiên này chắc chắn có nhiều khó khăn do Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên BV đã chuẩn bị kỹ càng mọi vấn đề cho ca ghép đặc biệt này. “Trong tình huống có ngay người chết não hiến phổi với các chỉ số phù hợp, chúng tôi có thể tiến hành ghép phổi luôn mà không cần chờ đến kế hoạch”, GS Sơn khẳng định.

Ca ghép phổi cho trẻ em từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện thành công vào tháng 2 vừa qua.
Ca ghép phổi cho trẻ em từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện thành công vào tháng 2 vừa qua.

Bên cạnh đó, GS Sơn cũng chia sẻ về kế hoạch ghép tử cung tự thân cho chính những phụ nữ phải cắt tử cung trong sinh nở. Lĩnh vực ghép ruột, ghép tứ chi cũng được nghiên cứu đến và được khẳng định là trong khả năng.

Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là nguồn hiến. Như trong ghép tứ chi, người Việt vẫn quan niệm chết phải toàn thây nên không dễ dàng thực hiện hiến chi, dù kỹ thuật hoàn toàn làm chủ.

GS, TS Trịnh Hồng Sơn cho biết, hiện nay nhiều kỹ thuật ghép tạng đã trở thành thường quy tại BV. Đến nay, số ca ghép tạng tại Việt Nam lên tới 2.425 ca. Trong đó, Việt Nam đã thực hiện thành công 2.327 ca ghép thận, 77 ca ghép gan, 18 ca ghép tim, một ca ghép thận + tụy, một ca ghép tim + phổi và một ca ghép phổi.

Theo GS Sơn, con số bệnh nhân chờ ghép tạng là hàng nghìn trường hợp và trong đó, phần lớn đều đã không có cơ hội để chờ đợi thêm bởi suy gan, suy thận, suy tim… đã đến giai đoạn cuối, không cho phép họ có nhiều thời gian để chờ đợi.

Xã hội ngày càng có cái nhìn cởi mở hơn về việc hiến tạng.nên số người đăng kí hiến tạng ngày càng tăng lên. Đến nay tổng số người đăng ký hiến tạng sau khi chết/chết não toàn quốc (tính đến 15-6-2017) là 8.315. Tổng số người đăng ký hiến xác tại Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia) là 167 người.

Từ con số 0 người đăng ký hiến tạng, đến nay số người đăng ký hiến tạng khi còn sống tại Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia là 65 người. Có sáu người đã thực hiện hiến tạng khi còn sống. Tuy nhiên, con số hiến tạng từ người chết não vẫn còn rất khiêm tốn.

Trong khi đó, ngày nào cũng có 1 - 5 ca chết não vì tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt. “Nếu chỉ ¼ số trường hợp chết não trong cả nước đồng ý hiến tạng, sẽ có biết bao con người được cứu sống”, TS Sơn tha thiết nói.

Các bác sĩ mong muốn tất cả mọi người hãy biến đau thương thành hành động. Một người thân không may mất đi nhưng trái tim họ, lá gan của họ vẫn sống trong một cơ thể khác, mang lại một cuộc sống mới hồi sinh cho những người còn cơ hội sống. Hãy mở lòng, sẵn sàng đăng ký hiến tạng nếu không may chết não, nhắm mắt xuôi tay.

Hồng Hải