1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ca ghép phổi đầu tiên: Mong nhất con được đến trường

(Dân trí) - Tối 24/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tới thăm bé trai 7 tuổi sau ca ghép phổi đầu tiên thực hiện thành công từ nguời cho sống. Bé trai đã tỉnh táo, giơ tay được, nói chuyện được và đang rất mong được đến trường

“Cậu bé còi” sắp được đến trường

GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, 4 ngày sau ca ghép phổi, cháu Ly Chương Bình (7 tuổi, Hà Giang) vẫn đang nằm trong phòng cách ly, chăm sóc đặc biệt. Cháu Bình hồi phục tốt, đã nói được, giơ tay bắt.

“Với tình hình của cháu Bình như hiện nay thì có thể nói là ca mổ đã rất thành công”, GS Quyết nói.


Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhi được ghép phổi từ người cho sống đầu tiên. Ảnh: Ngọc Kha

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhi được ghép phổi từ người cho sống đầu tiên. Ảnh: Ngọc Kha

Tiếp xúc với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi bà đến thăm con trai, chị Phàn Thị Tâm, mẹ bé Bình không giấu nổi niềm vui xen lẫn sự hồi hộp, lo lắng.

Chị Tâm cho biết, đúng tuổi, lẽ ra con năm nay đang học lớp 1 nhưng vì cậu bé gầy yếu, còi, suy dinh dưỡng, khò khè khó thở thường xuyên nên muộn học so với bạn bè cùng trang lứa. Giờ nghe bác sĩ nói con tiến triển tốt, chị rất hạnh phúc, mong con nhanh chóng được bình phục đi học, vui vầy cùng chúng bạn, không phải thui thủi một mình ở nhà khi bạn bè tới trường.

Người mẹ trẻ nhớ lại, từ khi mới hơn 2 tháng tuổi, Bình bắt đầu ốm nặng với những cơn ho hen thường xuyên. Nhưng khi 3 tuổi bé được đi khám lần đầu. Thế nhưng điều trị trong viện cả tuần không khỏi nên anh chị lại cho con về dùng thuốc nam.

Suốt năm 2016 là chuỗi ngày vất vả đi viện - về nhà liên tục. Bình đi hết bệnh viện tỉnh, Trung ương nhưng không khỏi, lúc nào cũng ho hen, khò khè, mệt mỏi, ăn uống kém. Đến khi tới BV Nhi Trung ương, rồi đến viện 103, các bác sĩ chẩn đoán bé phải ghép phổi mới có cơ hội sống.

Khi nghe bác sĩ phân tích, vợ chồng anh không chần chừ, nhận hiến phổi cho con. Nhưng càng nhiều người thử, cơ hội tìm người hòa hợp cho phổi càng cao. Vì thế, bác của cháu Bình đã đồng ý hiến một phần phổi cho cháu.

Anh Ly Cù Toàn (30 tuổi, bác ruột bé Bình) cho biết, đã có 2 con nhỏ nên thấy cháu bị bệnh, rất thương. Nay có cơ hội để cứu cháu, nên anh đồng ý hiến phổi dù ban đầu cũng hơi lo lắng. Khi bác sĩ giải thích phổi sẽ tự nở, anh đã yên tâm hơn.

“Sau rất nhiều lần xét nghiệm 3 người cho phổi, chỉ có bố cháu và bác ruột được hiến phổi cho con. Sau đó, các bác sĩ đã cho xe lên đón em bé xuống để ghép phổi”, chị Tâm cho biết.

Đến nay, sau 4 ngày hiến một phần phổi, anh Toàn và bố cháu bé hoàn toàn khỏe mạnh, đi lại, ăn uống bình thường.

Thêm “dấu ấn Việt” trên bản đồ ghép tạng thế giới

Bộ trưởng Bộ Y tế đã thăm hỏi, động viên cháu bé, gia đình bệnh nhân và dành nhiều sự khen ngợi với các bác sĩ Học viện Quân y, BV 103. Bộ trưởng đánh giá, ghép phổi là một kỹ thuật khó trong ngành ghép tạng. Thành công của ca ghép phổi cho thấy sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của tập thể thầy thuốc Học viện Quân y, Bệnh viện 103.

“Cũng nhờ ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên, Việt Nam đã ghi tên trên bản đồ thế giới trong kỹ thuật ghép phổi, đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên một tầm cao mới. Đây là thành tích lớn lao chào mừng 62 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2”, Bộ trưởng Tiến nói.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh về ý nghĩa nhân văn của ca ghép. Với ca ghép phổi thành công, cháu bé sẽ dần khỏe mạnh, thoát khỏi tình cảnh ốm yếu vì suy hô hấp. Ca ghép phổi thành công cũng mang lại hy vọng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý về phổi cần được ghép để kéo dài sự sống.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng lưu ý đến nhu cầu ghép tạng của Việt Nam hiện rất lớn, tuy nhiên, nguồn tạng được hiến (đặc biệt từ người chết não) vẫn còn rất ít ỏi, vì vậy, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động mạnh mẽ về ý nghĩa của việc hiến tạng. Bộ trưởng cũng đề nghị Học viện quân sự cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm điều phối quốc gia về ghép tạng để có nguồn tạng ghép cho bệnh nhân.

Bộ trưởng cũng chia sẻ, mong mỏi sẽ ngày càng nhiều người đăng kí hiến tạng để cứu nhiều bệnh nhân suy tạng mãn với cuộc sống tính theo ngày tháng tại các bệnh viện.

Hồng Hải