TPHCM:

Sẽ chuyển bệnh nhân HIV/AIDS vào bệnh viện điều trị

(Dân trí) - Những người nhiễm HIV lâu nay chỉ được khu trú điều trị tại các cơ sở chuyên biệt, điều trị thuốc ARV, tuy nhiên, hiện các cơ sở điều trị này đã quá tải. Trước tình hình trên, ngành y tế thành phố đang lên kế hoạch để chuyển bệnh nhân HIV vào điều trị tại các bệnh viện.

Sáng 15/4, Bộ Y tế tổ chức hội thảo tham vấn “Kế hoạch kiện toàn các cơ sở khám chữa bệnh HIV/AIDS do quỹ BHYT chi trả tại TPHCM.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tính từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên (tháng 12-1990) đến nay, TPHCM có 41.931 trường hợp nhiễm HIV được quản lý, trong đó có 10.997 trường hợp tử vong. Số người nhiễm HIV hiện còn sống tại thành phố là 30.934 người. Tính đến hết năm 2015, thành phố đang điều trị ARV cho 27.350 bệnh nhân, trong đó khoảng 19.000 bệnh nhân có hộ khẩu tại TPHCM.

Theo khảo sát của TPHCM, 3 nhóm đối tượng có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất là: nhóm nghiện chích ma túy (16,7%); nhóm phụ nữ hành nghề mại dâm (3,7%); nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (12,7%). Đáng chú ý, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục đang chiếm 57,5%, tỷ lệ lây qua đường máu chiếm 41,3%. Ước tính trong 2 năm 2016-2017 sẽ có thêm từ 12.000-14.000 bệnh nhân HIV mới.

Bệnh nhân HIV điều trị tại bệnh viện Nhân Ái
Bệnh nhân HIV điều trị tại bệnh viện Nhân Ái

Tính đến cuối 2015, TPHCM có 33 cơ sở điều trị ARV nhằm giảm bớt gánh nặng bệnh tật cũng như chi phí cho người bệnh. Với số người nhiễm mới ngày càng gia tăng, trong khi các nguồn viện trợ bị cắt giảm và tiến tới “đứt” hoàn toàn trong 1 đến 2 năm tới, việc chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS đang gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, Bộ Y tế đang rà soát và yêu cầu các địa phương chủ động khuyến khích chuyển bệnh nhân HIV/AIDS sang điều trị diện bảo hiểm y tế. Hiện tỷ lệ bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT quá thấp, theo ông Đồng Văn Ngọc, Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM, từ khi triển khai hoạt động tư vấn BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS tại các cơ sở điều trị ARV, đến nay cũng mới chỉ được 40% bệnh nhân có thẻ BHYT.

Thế nhưng, ngay số người có BHYT cũng mới chỉ một số ít sử dụng thẻ bởi sợ “lộ” bí mật cá nhân khi làm thủ tục chuyển viện. Với tính chất đặc thù và “nhạy cảm”, những người nhiễm HIV lâu nay chỉ được khu trú điều trị tại các cơ sở chuyên biệt, tập trung chủ yếu ở các cơ sở điều trị thuốc ARV. Tuy nhiên, hiện các cơ sở điều trị ARV cũng quá tải. Mặt khác, với sự cắt giảm nguồn viện trợ, việc cấp phát thuốc ARV kháng vi rút HIV điều trị không còn miễn phí như trước, mà nay bệnh nhân sẽ phải chi trả phần lớn chi phí điều trị.

Ước tính một bệnh nhân mỗi ngày sẽ phải chi trả từ 12.000 đồng đến 24.000 đồng. “Đa số là gia đình nghèo, khả năng chi trả cho các dịch vụ trên còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tiếp cận điều trị, và sự tuân thủ điều trị liên tục, khó khống chế được tình trạng kháng thuốc”, ông Hưng chia sẻ. Để tăng cường BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS, Bộ Y tế đã có chỉ đạo về việc các cơ sở phòng khám ngoại trú HIV/AIDS hiện nay phải kiện toàn để đủ điều kiện ký hợp đồng BHYT.

Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Nhàn, Trưởng phòng chăm sóc điều trị, Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi đã chấp thuận thanh toán phí khi tham gia các dịch vụ khám, chữa bệnh cho người HIV/AIDS nhưng hầu hết phòng khám ngoại trú cho bệnh nhân HIV/AIDS nằm trong các Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện hoặc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của các tỉnh chưa đủ điều kiện ký hợp đồng BHYT.

“Cán bộ chưa có chứng chỉ hành nghề liên quan đến HIV/AIDS, chưa được tập huấn chăm sóc điều trị HIV/AIDS, quy trình khám, sàng lọc chưa đầy đủ… là những vướng mắc để các phòng khám được ký BHYT”, bà Nhàn cho biết. Vì vậy, theo bà Nhàn, các phòng khám nằm trong trung tâm y tế dự phòng chưa đủ điều kiện ký BHYT thì chuyển về cho các bệnh viện quận, huyện; còn phòng khám nằm trong Trung tâm phòng chống HIV/AIDS thì sớm kiện toàn để ký hợp đồng BHYT.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, PGĐ Sở Y tế TPHCM, nên để các bệnh viện đa khoa tuyến quận huyện cùng các cơ sở y tế tư nhân, trại giam tham gia vào công tác điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, các bệnh viện cần kiện toàn quy trình, phác đồ cũng như cơ chế quản lý và đặc biệt cần phải xem HIV là một căn bệnh mạn tính, không xem đó là bệnh đặc thù để tránh kỳ thị.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm