SBSI - Chỉ số khối cơ thể mới "chuẩn" hơn BMI?

(Dân trí) - Chỉ số khối cơ thể (BMI) giúp bạn dễ dàng biết được mình có đang bị thừa cân hoặc béo phì hay không nhưng chỉ số mới SBSI lại giúp dự báo chính xác hơn nguy cơ tử vong.

 


Ảnh: Ngọc Diệp

Ảnh: Ngọc Diệp

BMI (Body Mass Index) là một trong những thông số được sử dụng rộng rãi nhất để xác định cân nặng có bình thường không. Công thức đơn giản này đã được sử dụng hàng chục năm qua nhưng không phải lúc nào nó cũng chính xác.

Bởi BMI không giúp ta phân biệt giữa khối cơ và khối mỡ, nghĩa là một vận động viên cơ bắp cuồn cuộn vẫn có thể bị phân loại là "béo phì". Nó cũng không tính đến cấu trúc cơ thể tự nhiên của mỗi người - một số bẩm sinh đã đậm người hơn, trong khi một số khác lại mảnh dẻ hơn.

Một bài báo gần đây đăng trên tạp chí PLoS One đã đề xuất một cách tính khác thay thế cho BMI. Chỉ số này mới được gọi là Chỉ số hình dạng cơ thể dựa trên bề mặt (Surface-base Body Shape Index - hay SBSI, có tính đến hình dạng và kích thước cơ thể, và có thể là yếu tố dự báo chính xác hơn về nguy cơ tử vong.

SBSI được xác định qua 4 thông số: diện tích bề mặt cơ thể (BSA), vòng eo (WC), chiều caot (H) và chu vi dọc thân (VTC -  Chu vi dọc thân là một đường tròn bắt đầu từ vai, đi qua háng, vòng lên lưng và lại kết thúc ở vai)


Hướng dẫn cách đo chu vi dọc thân (Vertical Trunk Cicumference)

Hướng dẫn cách đo chu vi dọc thân (Vertical Trunk Cicumference)

Công thức tính SBSI sẽ là một biểu thức phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ đơn giản chia cân nặng cho bình phương chiều cao. Tính SBSI tại đây.

Các nhà nghiên cứu nhận xét rằng SBSI cung cấp bức tranh tốt hơn về sức khỏe của một người vì nó có tính cụ thể đến mỡ bụng, đo bằng vòng eo và chu vi dọc thân. Đo lượng mỡ bụng - trái ngược với đo khối cơ thể chung của một người - là cách chính xác hơn để dự đoán nguy cơ tim mạch.

Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Tây Virginia đã phân tích số liệu của hơn 11.808 đối tượng - tuổi từ 18 đến 85 - từ Khảo sát dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia, 1999-2004 (NHANES). Cuộc khảo sát đã theo dõi về tử vong trong 8 năm.

Sử dụng dữ liệu từ NHANES, các nhà nghiên cứu thấy rằng SBSI là yếu tố dự báo về tử vong do mọi nguyên nhân tốt hơn BMI.

Nhóm nghiên cứu cũng thấy rằng SBSI thường tăng theo tuổi - mặc dù bước tăng thay đổi theo giới tính. SBSI tăng gây nguy cơ tử vong cao hơn.

Nghiên cứu kết luận: “SBSI thường tỷ lệ thuận với tuổi, và tăng lên cùng với tăng nguy cơ tử vong, khi so sánh với các chỉ số nhân trắc phổ biến khác của hình dáng cơ thể.”

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLoS One.

Cẩm Tú

Theo MIC và DM