Sau xạ trị bệnh nhân cần chú ý điều này khi ăn uống

Hà An

(Dân trí) - Sau xạ trị, bệnh nhân nên ăn thực phẩm mềm, dễ dàng nhai và nuốt như trái cây mềm, phô mai, bún, mì, miến, sữa, bột ngũ cốc...; tránh ăn cay, mặn, tránh các loại trái cây có vị chua.

Các tác dụng phụ gây ra bởi bức xạ phụ thuộc vào khu vực cơ thể được xạ trị, kích thước của khu vực được xạ trị, loại và tổng liều xạ trị và số lần điều trị… Tác dụng phụ thường bắt đầu vào khoảng tuần thứ hai hoặc thứ ba của điều trị và đạt đỉnh khoảng hai phần ba chặng đường của quá trình điều trị. 

Hầu hết tác dụng phụ đều là tạm thời, thường khỏi sau khi kết thúc điều trị tia xạ 2-4 tuần, một số ít có thể kéo dài lâu hơn nhiều.

Sau xạ trị bệnh nhân cần chú ý điều này khi ăn uống - 1

Khi xạ trị có thể gây ra buồn nôn, nôn, mất cảm giác ngon miệng, thay đổi mùi vị, các vấn đề về răng (viêm chân răng, chảy máu chân răng), viêm cơ, tiêu chảy và kém hấp thu do tổn thương ruột, giảm chức năng miễn dịch.

Ảnh hưởng của tia xạ thay đổi theo vùng chiếu. Tia xạ vùng đầu cổ gây ra rất nhiều vấn đề về tiêu hóa thức ăn như: đau họng, nhiễm trùng miệng, viêm màng nhày, khô miệng kéo dài, mất cấu trúc răng lợi, thay đổi mùi vị, chán ăn, mệt mỏi. Những triệu chứng này xuất hiện trong vòng 7-10 ngày từ khi bắt đầu điều trị.

Tia xạ vùng ngực gây viêm thực quản kèm khó nuốt. Tia xạ vùng bụng có thể gây viêm dạ dày, viêm ruột cấp với biểu hiện buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn. Nếu viêm nặng có thể kèm theo kém hấp thu đường đôi, mỡ, điện giải. Tia xạ toàn thân có thể gây tất cả các triệu chứng cấp tính ở trên tùy mức độ. Khi kèm với hóa trị liệu, tia xạ còn ức chế hệ miễn dịch. 

Một số thực phẩm nhất định có thể làm tăng khả năng tổn thương răng miệng của bệnh nhân: 

-  Thực phẩm có gia vị cay nồng.

-  Thực phẩm cứng, có góc cạnh sắc gây khó nhai, nuốt.

Sau khi xạ trị, bệnh nhân nên ăn những thực phẩm mềm, dễ dàng nhai và nuốt như trái cây mềm, phô mai, bún, mì, miến, sữa, bột ngũ cốc... Nên tránh ăn cay, mặn, tránh các loại trái cây có vị chua.

Ở bệnh nhân ung thư đầu và cổ, chăm sóc miệng cẩn thận và quản lý răng là cần thiết để giảm nguy cơ hỏng răng, lợi hoặc hoại tử mô xương do tia xạ. 

Viêm ruột do tia xạ gây ra có thể thành mãn tính với các triệu chứng loét hoặc tắc nghẽn làm tăng nguy suy dinh dưỡng. Viêm ruột mạn tính kết hợp với cắt ruột nhiều gây ra mất chức năng ruột hoặc hội chứng ruột ngắn. Mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào độ dài và vị trí mất chức năng hay đoạn ruột bị cắt. Tình trạng bệnh lý đó bao gồm kém tiêu hóa, kém hấp thu, suy dinh dưỡng, mất nước và bất thường chuyển hóa cơ thể, nặng có thể gây tử vong.

Giai đoạn đầu, đòi hỏi nuôi ăn bệnh nhân qua tĩnh mạch và giám sát thường xuyên dịch và điện giải trong nhiều tuần, nhiều tháng. Giai đoạn sau nuôi ăn tĩnh mạch kết hợp chế độ ăn theo dõi nghiêm ngặt với công thức nuôi ăn qua sonde hoặc chia bữa nhỏ nhiều lần. Các bữa ăn có nhiều carbohydrate phức hợp, ít mỡ, ít oxalate, không có lactose, nhiều protein, chế biến mềm. Đồng thời, dùng thuốc giảm nhu động ruột khi cần thiết. Bổ sung nhiều vitamin như B12, axit folic, vitamin A, E, K để phòng bệnh.