1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sáp nhập nhiều đơn vị để lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

(Dân trí) - Với cơ cấu 15 khoa chuyên môn trực thuộc, nhiệm vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật được lập tại các tỉnh thành sẽ trùng với nhiều trung tâm, chi cục. Dự kiến, các đơn vị y tế sẽ phải sáp nhập, tuy nhiên địa phương đang lúng túng sắp xếp bố trí nhân lực.

Ngày 15/5 tại TPHCM, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế, có chức năng chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về kiểm soát bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; các hoạt động nâng cao sức khỏe và các dịch vụ y tế khác trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Ngoài ra, trung tâm này còn có chức năng phòng chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe; quản lý sức khỏe cộng đồng; khám, phát hiện điều trị dự phòng và các dịch vụ y tế khác có liên quan trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Y tế kỳ vọng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ra đời sẽ góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt hơn
Bộ Y tế kỳ vọng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ra đời sẽ góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt hơn

Với 15 khoa chuyên môn, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật sẽ có sự trùng lặp với nhiều trung tâm, chi cục hiện đang tồn tại ở các địa phương. Để tránh tình trạng chồng chéo trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế đang lấy ý kiến về việc nên hay không nên sáp nhập các đơn vị trực thuộc Sở y tế có cùng nhiệm vụ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

Tại Hội thảo, một số ý kiến cho rằng chỉ nên sáp nhập những đơn vị y tế hoạt động thiếu hiệu quả vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, những đơn vị y tế khác đang hoạt động tốt thì vẫn cho phép tồn tại, phát triển song song. Tuy nhiên, ý kiến chung của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế cho rằng nếu để tồn tại các chi cục hoặc trung tâm y tế thì sẽ tạo ra sự chồng chéo trong nhiệm vụ chung của ngành, hợp nhất các đơn vị thành một khối để phát triển chuyên môn sâu là việc cần thiết theo xu hướng phát triển của y tế thế giới.

Tuy nhiên, thực tế sáp nhập đang khiến nhiều địa phương lúng túng trong việc sắp xếp, bố trí nhân lực thực hiện công tác chuyên môn để đảm bảo quyền lợi của người lao động, đặc biệt là những nhận sự từng đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo và bộ phận làm công việc hành chính. Nhiều địa phương than phiền về những khó khăn trong cơ chế tài chính chưa đáp ứng được chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm sau khi kiện toàn.

Để giải quyết các khó khăn, tiến tới thống nhất phương án chung trong việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các Vụ - Cục liên quan và Sở Y tế các tỉnh cần cân nhắc kỹ các phương án thực hiện trên cơ sở học tập mô hình của các nước phát triển. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phải đảm bảo nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Đã có 24 tỉnh sát nhập

TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ tổ chức Cán bộ (Bộ Y tế), cho biết, hiện đã có 24 tỉnh, thành phố trên cả nước đưa ra quy định thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Trong đó, nhiều tỉnh, thành đã sáp nhập, hợp nhất các trung tâm, chi cục trực thuộc Sở Y tế thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC). Cụ thể, tỉnh Quảng Nam đã sáp nhập 3 trung tâm gồm: Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm Sốt rét - Bướu cổ và Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

Tại tỉnh Sóc Trăng, ngành y tế đã sáp nhập 4 đơn vị gồm: Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS , Trung tâm Giáo dục sức khỏe và Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội. Đặc biệt, tỉnh Hà Nam sáp nhập hầu hết các trung tâm trực thuộc Sở Y tế (trừ Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe) để hình thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

Vân Sơn