1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sắp đến mùa đông xuân, Bộ Y tế lo ngại dịch chồng dịch

Hà An

(Dân trí) - Theo Bộ Y tế, ngoài mối lo về dịch Covid-19, khí hậu mùa đông xuân cũng rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa.

Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh thành về việc tăng cường phòng chống dịch Covid-19 và dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021-2022.

Trong thời gian gần đây sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, đã có một số lượng người dân di chuyển về các địa phương từ vùng dịch Covid-19. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu mùa đông xuân sắp tới cũng rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa.

Vì thế, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất lớn nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Sắp đến mùa đông xuân, Bộ Y tế lo ngại dịch chồng dịch - 1

Ảnh minh họa.

Để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa đông xuân, không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" và Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Theo đó, cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, chú trọng triển đến các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế , vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch như giám sát phát hiện sớm, xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả... gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế xã hội.

Các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trong đó, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bao phủ vaccine cho người dân; nâng cao năng lực hệ thống y tế; chuẩn bị sẵn sàng thiết lập các trạm y tế lưu động… Thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, mở cửa lại nền kinh tế có lộ trình và ở những nơi an toàn, có đủ điều kiện.

Bộ cũng lưu ý các địa phương khi khai báo lấy mã số bệnh nhân cần cung cấp đầy đủ thông tin bệnh nhân bao gồm tiền sử tiêm vaccine phòng Covid-19 (tiêm một mũi, 2 mũi, chưa tiêm).

Các tỉnh thành cũng cần tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện 5K, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan; xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết, triển khai chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn nguy cơ cao, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ.

Đối với các bệnh dịch có vaccine phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng, rà soát đối tượng tiêm chủng; tổ chức ngay các chiến dịch tiêm phòng sởi, rubella, ho gà cho các đối tượng chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.

Sở Y tế triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; tập trung triển khai công tác tiêm chủng…

Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học; phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; phối hợp quản lý tốt sức khỏe học sinh, cán bộ, giáo viên, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, xử lý triệt để ổ dịch, thông báo kịp thời cho ngành y tế để phối hợp các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người.

Các đơn vị phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn triệt để gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Sở Tài chính kịp thời bổ sung kinh phí theo đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị liên quan để đảm bảo nhu cầu đáp ứng phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư, hóa chất, cơ số thuốc, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.