Sàng lọc ung thư phổi như thế nào?

Tú Anh

(Dân trí) - Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ hai về số ca mắc và tử vong, nhưng trên 75% bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn. Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư phổi mang lại cơ hội điều trị tốt cho người bệnh.

Dưới đây là các phương pháp sàng lọc ung thư phổi:

Chụp X-quang ngực:

Là phương pháp chụp các cơ quan và xương bên trong ngực. X-quang là một loại tia năng lượng có thể đi qua cơ thể và cho hình ảnh của khu vực bên trong cơ thể trên phim chụp. Chụp X-quang ngực không được khuyến cáo trong sàng lọc ung thư phổi. Nhiều thử nghiệm lâm sàng được tiến hành, tuy nhiên không thử nghiệm nào trong số đó cho thấy hiệu quả giảm tỷ lệ tử vong khi sàng lọc bằng chụp X-quang ngực.

Tuy nhiên, khi chụp X-quang lại cho phép phát hiện những nghi ngờ để bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp tiếp theo.

Xét nghiệm đờm:

Xét nghiệm đờm là một thủ tục trong đó bác sĩ sẽ lấy mẫu đờm (chất nhầy từ phổi) và quan sát dưới kính hiển vi để kiểm tra tế bào ung thư.

Xét nghiệm đờm cũng không được khuyến cáo trong sàng lọc ung thư phổi.

Chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp:

Sàng lọc ung thư phổi như thế nào? - 1

Sàng lọc ung thư phổi bằng chụp cắt lớp liều thấp là một tiến bộ lớn của lĩnh vực sàng lọc ung thư. Cách sàng lọc này với phần mềm vi tính hỗ trợ diễn giải hình ảnh chụp chính xác và giảm chi phí. Liều chụp được đặt ở mức 2mSv (so với liều chuẩn 7mSv), giảm nguy cơ tiếp xúc tia xạ so với chụp cắt lớp vi tính ngực thông thường.

Các dữ liệu nghiên cứu gần đây cho thấy, với những bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư phổi, việc tiến hành sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư bằng chụp cắt lớp với liều xạ thấp hàng năm tăng được thêm 20% số trường hợp ung thư phổi được phát hiện khi so với chụp X-quang phổi thông thường.

Chính nhờ những lợi ích rõ rệt như vậy, hiện nay nhiều khuyến cáo đề nghị đưa chụp cắt lớp vi tính ngực liều xạ thấp, tiến hành hàng năm là phương pháp tốt để sàng lọc, phát hiện ung thư phổi sớm.

Test chẩn đoán được coi là dương tính khi phát hiện các nốt không calci hóa từ 4mm trở lên đối với chụp cắt lớp vi tính liều thấp, và nốt không calci hóa bất kỳ trên X-quang ngực.

Phương pháp này được chỉ định sàng lọc ung thư phổi cho những đối tượng nguy cơ cao ≥50 tuổi, có tiền sử hút thuốc là từ 20 bao/ năm, tiếp xúc khói bụi, phơi nhiễm phóng xạ…. 

Ung thư phổi diễn biến rất âm thầm, chỉ có triệu chứng ở giai đoạn muộn. Chụp X-quang thông thường không thể phát hiện sớm tổn thương và đến nay cũng chưa có phương pháp nào phát hiện được sớm bệnh thực sự có hiệu quả.

Theo thống kê, ngay tại các nước phát triển, chỉ có khoảng 25% bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1, 2). Ở giai đoạn sớm, các dấu hiệu ung thư phổi rất nghèo nàn. Các biểu hiện như ho khan dai dẳng, sốt về chiều, sút cân, đau ngực, ho ra máu... đều không phải những dấu hiệu đặc hiệu của ung thư phổi, các triệu chứng này cũng dễ gặp trong viêm nhiễm phế quản phổi.

Nhưng khi đã có những dấu hiệu này báo động đỏ nguy cơ ung thư phổi. Có những bệnh nhân khi chụp X-quang phát hiện ra, khối u đã to 2-10cm.

Ho là dấu hiệu gặp trong ung thư phổi nhưng ho cũng biểu hiện rất nhiều bệnh lý khác. Nên nếu xuất hiện ho nhiều, ho ra máu, đau đầu, đau ngực, thỉnh thoảng bị co giật, đặc biệt giảm cân rất nhanh là những dấu hiệu báo động đỏ của tình trạng ung thư phổi.

Để phòng nguy cơ ung thư phổi, hãy bỏ thuốc lá, ngăn ngừa nguy cơ hút thuốc lá thụ động.