Sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân cúm A/H7N9
(Dân trí) - Chiều 6/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. Bệnh viện đầu ngành về truyền nhiễm đã sẵn sàng mọi cơ sở vật chất, phương tiện, thuốc men, nhân lực để ứng phó với dịch cúm A/H7N9.
6/16 ca bệnh tử vong
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đến ngày 6/4, sau 6 ngày tuyên bố có ca nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên, đến nay Trung Quốc đã ghi nhận 16 trường hợp dương tính với loại cúm này, trong đó, 6 trường hợp tử vong. Như vậy so con số với tỷ lệ tử vong là khá cao.
“Về lứa tuổi, bệnh nhân có ở tất cả các lứa tuổi khác nhau. Trong đó bé nhất là một cháu bé 4 tuổi, nhiều tuổi nhất là bệnh nhân 87 tuổi, rồi 27 – 28 nên chúng ta chưa xác định được tần xuất hay gặp ở nhóm nào. Đến thời điểm hiện nay, các nhà khoa học cũng như WHO còn nhiều các câu hỏi, nhiều vấn đề quan ngại đặt ra với bệnh dịch này. Ví như đường lây của bệnh, đến nay người ta chưa xác định được nguồn lây bệnh từ đâu. Trong 16 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 tại Trung Quốc có 5 trường hợp có tiếp xúc với gia cầm, lợn. Người ta cũng phát hiện chim bồ câu mang chủng cúm này, nhưng mà lại không có mối liên quan dịch tễ nào đối với những người bệnh. Người ta đặt ra những giả định khác nhau và lo ngại một đại dịch có thể xảy đến”, ông Long nói.
TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, theo cung cấp của các đồng nghiệp Trung Quốc về ca bệnh, thì bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 diễn biến rất nhanh giống H5N1 với tổn thương phổi rất nặng, vừa có dấu hiệu hội chứng cúm bệnh nhân đã có hiện tượng khó thở. Bệnh án của bệnh nhân cũng thể hiện bệnh nhân bị tổn thương phổi nhanh, tim và thận ít tổn thương, có tiêu cơ và tăng men gan.
Sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân
Ngay khi được Bộ Y tế giao việc nghiên cứu ban hành phác đồ điều trị bệnh cúm A.H7N9, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp Trung Quốc, chuyên gia Tổ chức y tế thế giới và đã đưa ra phác đồ điều trị bệnh cúm A/H7N9.
“Chúng tôi đã nhận được phác đồ điều trị này và thứ 3 tới (9/4), Bộ Y tế sẽ họp Hội đồng khoa học để thẩm định về phác đồ này”, ông Long cho biết.
Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã lên kế hoạch phòng chống dịch cúm này. Theo đó, BV đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch của BV, Thành lập đội phòng chống dịch lưu động sẵn sàng cho điều động khẩn cấp, ứng phó khi dịch bệnh xảy ra; thành lập 2 đội cấp cứu chống dịch ngoại viện. Đồng thời đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị để thu dung, điều trị và chăm sóc bệnh nhân khi có dịch xảy ra.
“Tại BV đã có đầy đủ phương tiện, hệ thống máy để làm ngay công tác chẩn đoán. Bộ mồi để thử cúm A/H7N9 cũng đã có, nếu có bệnh phẩm sẽ làm được ngay”, TS Kính cho biết.
KHUYẾN CÁO PHÒNG, CHỐNG CÚM A(H7N9) TẠI CỘNG ĐỒNG
1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
2. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.
3. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
5. Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe. |
Hồng Hải