Sản phụ ở TPHCM cạn kiệt buồng trứng, sinh "bé trai 4.0" nhờ công nghệ AI
(Dân trí) - Phát hiện dự trữ buồng trứng cạn kiệt, người phụ nữ 36 tuổi ở TPHCM đã quyết định lựa chọn công nghệ AI trong thụ tinh nhân tạo. Và thành quả là một "bé trai 4.0" đã chào đời khỏe mạnh.
Nhìn cậu nhóc 6 tháng tuổi ê a đòi mẹ, chị M.A. (36 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) không giấu nổi hạnh phúc. Con chị A. là một phiên bản đặc biệt trong việc thụ tinh nhân tạo, được gia đình và các bác sĩ gọi nôm na là "bé trai 4.0".
Trước đó, chị A. cho biết, dù lấy chồng muộn nhưng vì chưa có kế hoạch sinh con, chị ngừa thai suốt 3 năm. Đầu năm 2021, chị đi khám tiền sản và rất sốc khi nhận tin buồng trứng suy giảm trầm trọng, chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) chỉ còn 0,3 (ở phụ nữ bình thường là 2,0-6,8 ng/ml).
Liên tục nhiều tháng sau đó, dù vợ chồng chị nỗ lực tăng cường sức khỏe và quan hệ tự nhiên, nhưng vẫn không có tin vui. Chị A. tìm đến nhiều trung tâm điều trị hiếm muộn, nhưng hầu hết đều lắc đầu trong việc điều trị. Suy sụp xen lẫn thất vọng, người phụ nữ đã nghĩ đến khả năng phải xin trứng mới có thể sinh con.
Tình cờ, người phụ nữ nghe thông tin về phác đồ IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) cho người có chỉ số AMH thấp tại một bệnh viện ở TPHCM, nên đến xin tư vấn, với khát khao "còn nước còn tát".
Tiếp nhận bệnh nhân, ThS.BS Giang Huỳnh Như đã tư vấn kỹ càng cho chị A. về các phác đồ điều trị. Bệnh nhân được dùng hệ thống nuôi cấy phôi như "buồng tử cung nhân tạo", có camera giám sát 24/24 giúp quan sát toàn bộ hành trình của con từ lúc chỉ còn là một "em bé phôi".
Qua quan sát và đánh giá, bác sĩ đã chọn được 2 phôi tốt đủ cho chị sinh con. Vì chỉ số AMH người mẹ đã chạm đáy, nếu vài năm nữa muốn tiếp tục sinh con sẽ vô cùng khó khăn để tái khởi động IVF. Do đó sau khi cân nhắc, 2 vợ chồng quyết định trữ đông phôi và tiếp tục kích trứng làm thêm một chu kỳ IVF nữa.
Nhờ nuôi phôi bằng công nghệ 4.0 hiện đại, hơn 9 tháng sau, cậu con trai đầu lòng của vợ chồng chị A. đã chào đời khỏe mạnh, trong sự vỡ òa của gia đình.
Bác sĩ Giang Huỳnh Như cho hay, trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực y tế, bao gồm cả hỗ trợ sinh sản. Các nhà khoa học đã sáng chế ra thuật toán giúp dự đoán kết quả thụ tinh ống nghiệm thông qua phần mềm so sánh, phân tích, đánh giá sự hình thành và phát triển của hàng trăm phôi thai.
Trước đây, khi chưa có ứng dụng nuôi cấy phôi hiện đại công nghệ cao, các chuyên viên phải lấy phôi trong tủ nuôi ra ngoài để quan sát trực tiếp dưới kính hiển vi. Sự thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm, môi trường khí xung quanh phôi có thể khiến phôi bị sốc. Do đó, tỷ lệ phôi hỏng cao, phôi bị gián đoạn phát triển, khó nuôi phôi đến ngày 5… khiến giấc mơ làm cha mẹ của nhiều người trở nên khó khăn hơn.
Tủ nuôi cấy phôi hiện đại công nghệ cao giúp tránh được các điều kiện bất lợi từ bên ngoài tác động đến quá trình phát triển phôi. Mỗi phôi được nuôi cấy trong một buồng độc lập có gắn camera riêng biệt. Các chuyên gia có thể theo dõi, đánh giá chi tiết về quá trình phát triển của từng phôi chính xác, hiệu quả trong khi phôi vẫn ở trong môi trường tốt nhất, ổn định nhất.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị vô sinh không những giúp tăng khả năng thành công cho các cặp vợ chồng hiếm muộn mà còn giúp em bé được sinh ra khỏe mạnh. Đặc biệt là những ca bệnh khó, vô sinh lâu năm, lớn tuổi, dự trữ buồng trứng kém, thất bại chuyển phôi nhiều lần…
"Trí tuệ nhân tạo AI là cánh tay đắc lực, giúp nhân viên y tế có cơ sở đánh giá chất lượng, lựa chọn phôi tốt để chuyển vào tử cung và tiên lượng khả năng đậu thai", bác sĩ Huỳnh Như cho biết.