Người phụ nữ ở TPHCM tắc 90% động mạch phổi, nghi do thuốc tránh thai

Hoàng Lê

(Dân trí) - Một phụ nữ tại TPHCM phải nhập viện cấp cứu vì khó thở, đau ngực suốt 2 tuần, sau nhiều năm trời sử dụng thuốc tránh thai loại uống hàng ngày.

Bác sĩ Võ Tấn Được, khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM) cho biết, vừa qua khoa đã tiếp nhận điều trị cho một trường hợp tắc động mạch phổi nặng.

Bệnh nhân là một phụ nữ 37 tuổi, đã có 2 con. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết sử dụng thuốc tránh thai loại uống hàng ngày đã trên 15 năm. 2 tuần trước khi nhập viện, người phụ nữ liên tục đau ngực và khó thở. Chị đi khám nhiều nơi nhưng không tìm được nguyên nhân.

Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, người bệnh đã trong tình trạng chỉ đi vài bước chân là không chịu đựng được. Tiến hành siêu âm tim, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị suy tim, có dấu hiệu gợi ý tắc động mạch phổi.

Bệnh nhân tiếp tục được chỉ định chụp CT ngực. Kết quả cho thấy người phụ nữ bị tắc 90% động mạch phổi hai bên và được nhập Đơn vị hồi sức tim mạch, Khoa Nội tim mạch - Lão học điều trị.

Người phụ nữ ở TPHCM tắc 90% động mạch phổi, nghi do thuốc tránh thai - 1

Người phụ nữ tắc động mạch phổi, được điều trị tích cực tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Ảnh: BV).

Các bác sĩ đã cho bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông ngay lập tức. Sau hội chẩn, bệnh nhân được dùng thuốc tiêu sợi huyết, làm tan cục máu đông trong động mạch phổi. Qua 3 ngày điều trị, bệnh nhân hết mệt và khó thở, sinh hoạt bình thường, Sau đó tiếp tục sử dụng thuốc chống đông. Hiện tại, bệnh nhân đã được xuất viện với tình trạng suy tim cải thiện.

Bác sĩ Được chia sẻ, khi xác định người phụ nữ chưa đến 40 tuổi bị tắc nghẽn mạch máu, ekip điều trị đã truy tìm tất cả nguy cơ gây bệnh. Tuy nhiên, xét nghiệm về rối loạn đông máu di truyền không có bất thường, bệnh nhân không có tiền căn chấn thương hay gợi ý về bệnh lý huyết học. Nguy cơ lớn nhất là việc sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày trên 15 năm.

Bác sĩ Được cho hay, tỷ lệ bệnh nhân bị thuyên tắc mạch do dùng thuốc tránh thai đường uống có tỷ lệ rất thấp, chiếm khoảng 1/10.000 trường hợp. Dù vậy, ông cũng từng điều trị cho một phụ nữ bị thuyên tắc tĩnh mạch nội sọ vì nguyên nhân này.