1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sản phụ liệt nửa người sau sinh: Bệnh nhân chống chỉ định với gây tê

Vân Sơn

(Dân trí) - Những bệnh nhân có tiền sử dị ứng thuốc tê thuộc nhóm chống chỉ định tuyệt đối với phương pháp gây tê tủy sống. Người bệnh có thể đối mặt với sốc phản vệ, tử vong sau khi bác sĩ thực hiện kỹ thuật.

Liên quan đến việc sản phụ N.T.T.T (28 tuổi, quê Ninh Thuận) bị liệt nửa người sau khi sinh tại Bệnh viện Phụ sản Mê Kông, nhiều chuyên gia cho rằng phương pháp gây tê tủy sống chống chỉ định với bệnh nhân có tiền sử bị dị ứng. 

Sản phụ liệt nửa người sau sinh: Bệnh nhân chống chỉ định với gây tê - 1

Chị T.T. bị liệt nửa người sau khi sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Mê Kông. 

Một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sản khoa cho biết gây tê tủy sống là phương pháp sử dụng thuốc nhằm ức chế giao cảm của hệ thống thần kinh tủy sống. Đây là một trong những phương pháp vô cảm cho sản phụ trước cuộc phẫu thuật mổ lấy thai nhằm giảm đau cho người mẹ. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê vào tủy sống của sản phụ khiến sản phụ bất động, mất cảm giác hoàn toàn ở nửa thân dưới của cơ thể.

Sau khi gây tê tủy sống, sản phụ vẫn tỉnh táo, nhìn thấy, nghe được và cảm nhận các thao tác của bác sĩ nhưng không có cảm giác đau. Trong thời gian thuốc còn tác dụng, bác sĩ sẽ thực hiện cuộc mổ và lấy thai từ bụng mẹ ra ngoài. Phương pháp mổ bắt con được thực hiện trên những sản phụ có nguy cơ đối mặt với những rủi ro khi sinh theo ngả tự nhiên. Sau mổ bắt con, cơ thể sản phụ sẽ có cảm giác trở lại như bình thường khi thuốc tê hết tác dụng.

So với gây mê thì gây tê là biện pháp giảm đau khi sinh mang lại nhiều ưu điểm hơn cho các sản phụ. Sản phụ vẫn hoàn toàn tỉnh táo, huyết áp và nhịp tim điều hòa, hạn chế tối đa nguy hiểm cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ngay sau khi thuốc tê được tiêm vào cột sống, sản phụ có thể cảm thấy buồn nôn, thậm chí là nôn mửa, thường kèm theo có tụt huyết áp. Đây là phản ứng khá phổ biến nhưng sẽ nhanh chóng biến mất khi nâng huyết áp bằng thuốc co mạch và truyền dịch, các phản ứng trên thường không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của sản phụ và thai nhi.

Tuy nhiên, với trường hợp sản phụ N.T.T.T. có tiền sử từng 2 lần bị dị ứng thuốc tê, thì đây là trường hợp chống chỉ định tuyệt đối với phương pháp gây tê tủy sống.

Theo một Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức đang công tác ở bệnh viện tư trên địa bàn TPHCM, đây là một sự cố y khoa do sự chủ quan của bác sĩ gây tê. Căn cứ theo tiền căn từng 2 lần dị ứng với thuốc tê thì về mặt chuyên môn đây là ca bệnh chống chỉ định tuyệt đối, không được dùng thuốc tê dưới bất kỳ hình thức nào. Việc test trên da để kiểm tra phản ứng là không cần thiết, không nên thực hiện.

"Đã biết bệnh nhân bị dị ứng nhưng bác sĩ vẫn thực hiện thủ thuật gây tê tủy sống thì quá mạo hiểm, bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ, tụt huyết áp. Nếu phản vệ ở mức độ nặng nặng, cấp cứu cũng rất khó, bệnh nhân có thể tử vong", chuyên gia này phân tích. 

Với trường hợp sản phụ T.T. phải chuyển phương pháp vô cảm sang gây mê để tránh dị ứng thuốc. Mặt khác, trên cơ địa bệnh nhân nhạy cảm này có thể đối mặt với những bất lợi, nguy cơ sốc phản vệ cao khi sử dụng kháng sinh và thuốc giãn cơ nên người làm công tác chuyên môn phải đặc biệt lưu ý.

Để tránh nguy hiểm tương tự có thể xảy ra, các chuyên gia khuyến cáo khi bệnh nhân đã có tiền sử dị ứng với thuốc tê thì tuyệt đối không được sử dụng thuốc tê dưới bất kỳ hình thức nào ngay cả việc thoa tại chỗ cũng không được làm, thay vào đó cần thực hiện các phương pháp gây mê khác.