Sa sút trí tuệ có phải là lão hóa tự nhiên?

Hồng Hải

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Trung Anh cho biết, nhiều người quan niệm, sa sút trí tuệ (chủ yếu do bệnh Alzheimer) là quá trình lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, đây là bệnh nghiêm trọng, đặc biệt ở giai đoạn cuối.

Ngày 12/9,  Bệnh viện Lão khoa Trung ương phối hợp cùng Hội Lão khoa Việt Nam tổ chức chương trình hưởng ứng Ngày bệnh Alzheimer thế giới với chủ đề "Lưu giữ ký ức".

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ tháng hành động phòng chống bệnh Alzheimer nhằm nâng cao nhận thức, lan tỏa sự quan tâm và yêu thương của cộng đồng dành cho người mắc bệnh Alzheimer và các bệnh sa sút trí tuệ nói chung.

Sa sút trí tuệ có phải là lão hóa tự nhiên? - 1

PGS.TS Nguyễn Trung Anh trò chuyện với các ông bà tham gia sự kiện (Ảnh: Hồng Hải).

PGS.TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, sa sút trí tuệ, phổ biến nhất là bệnh Alzheimer, đang trở thành một thách thức cấp bách với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới sa sút trí tuệ hiện được xem là một trong những vấn đề y tế công cộng quan trọng nhất, không chỉ bởi mức độ nghiêm trọng mà còn bởi những tác động sâu rộng của sa sút trí tuệ đến người bệnh, gia đình và toàn xã hội.

Tại Việt Nam, với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, sa sút trí tuệ đang đặt ra nhiều thách thức to lớn. Sa sút trí tuệ cũng có xu hướng trẻ hóa, trong khi đó, nhận thức về căn bệnh này trong cộng đồng vẫn còn hạn chế, dẫn đến chẩn đoán muộn, gia tăng gánh nặng chăm sóc và tài chính cho các gia đình.

"Cộng đồng vẫn coi sa sút trí tuệ, mà phần lớn là bệnh Alzheimer, là một quá trình lão hóa tự nhiên. Thực tế không phải như vậy, Alzheimer là một bệnh và rất nghiêm trọng nếu ở giai đoạn cuối, đòi hỏi được quan tâm đặc biệt", PGS Trung Anh cho biết.

Theo chuyên gia này, bệnh Alzheimer với triệu chứng, thể bệnh khác nhau dần dẫn đến tàn phế, gây gánh nặng lớn cho người bệnh, cho gia đình người bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội.

Trong khi đó, hiện chỉ có thuốc điều trị triệu chứng, việc chẩn đoán sớm, điều trị sớm mang lại hiệu quả, chất lượng sống tốt hơn cho người bệnh.

"Để chẩn đoán được sớm bệnh Alzheimer, cộng đồng, người bệnh, gia đình người bệnh cần có nhận thức sớm, quan tâm đi khám sớm", PGS Trung Anh khuyến cáo.

Tại sự kiện, GS.TS Phạm Thắng, nguyên chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cho biết, bệnh Alzheimer là một dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất, có thể chiếm tới 70% các trường hợp bị mất trí nhớ.

Tại Việt Nam năm 2019 có 531.000 người bị sa sút trí tuệ, dự báo con số này sẽ tăng gấp 3, lên 1,8 triệu người vào năm 2050.

"Căn bệnh Alzheimer là căn bệnh hiểm ác đối với người già. Nhưng trên thực tế, số lượng người bệnh được chẩn đoán Alzheimer rất ít, chứng tỏ đây là tình trạng đáng báo động khi các bệnh nhân không nhận ra tình trạng của chính mình", GS Thắng cho biết.

Đáng nói, tình trạng suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ có xu hướng trẻ hóa. Trước đây, đối tượng đến khám bệnh lý này chủ yếu trên 70 tuổi thì nay có một tỉ lệ lớn người bệnh từ 50- 60 tuổi. Khoảng 30-40% những người ở độ tuổi này đã phát hiện có tình trạng sa sút trí tuệ.

Theo PGS Trung Anh, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy bệnh Alzheimer có yếu tố gia đình. Vì vậy, việc phát hiện sớm ở những người có yếu tố nguy cơ là rất quan trọng.

Các biểu hiện sa sút trí tuệ ban đầu thường không rõ ràng, nhưng vẫn có một số dấu hiệu phổ biến. Dấu hiệu đặc trưng đầu tiên của tình trạng sa sút trí tuệ gồm:

- Giảm trí nhớ; nhầm lẫn vị trí các đồ vật và khó tìm lại.

- Nhầm lẫn về thời gian và địa điểm; giảm khả năng phán đoán; ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh; giảm khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra các quyết định.

- Thay đổi về cảm xúc, tính cách (rối loạn về cách dùng từ)…

Do đó, khi có biểu hiện quên kéo dài, quên có xu hướng tăng lên, rối loạn cảm xúc, hành vi nên đi khám sớm.