"Rùng mình" với tai nạn và bệnh nghề nghiệp ở người lao động

Vân Sơn

(Dân trí) - Tai nạn lao động cùng bệnh nghề nghiệp hiểm họa luôn rình rập và là nỗi đau đối với chính nạn nhân cùng người thân, để lại gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Tàn phế, mất sức lao động

Đang lắp biển quảng cáo, bất ngờ dòng điện trung thế phóng xuống khiến anh Đ.C.H. (34 tuổi) bị bỏng nặng. Được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng "thập tử nhất sinh" sau thời gian dài điều trị, các bác sĩ đã giúp bệnh nhân qua được nguy kịch.

Rùng mình với tai nạn và bệnh nghề nghiệp ở người lao động - 1

Bị điện phóng khi đang lắp biển quảng cáo khiến nạn nhân phải cắt cụt 2 tay và chân phải (ảnh: bệnh viện cung cấp)

Tuy nhiên, để giữ lại mạng sống cho anh, ê-kíp điều trị buộc phải cắt bỏ cả 2 cánh tay và chân trái vì tia lửa điện đã khiến gân, cơ, xương của những bộ phận này chết hoàn toàn không còn khả năng phục hồi. Chân phải còn lại của anh cũng bỏng nặng tới 90%. Trước khi tai nạn lao động xảy ra, anh C.H. là lao động chính nuôi vợ con nhưng sau tai nạn, anh trở thành người tàn tật, lệ thuộc vào gia đình.

Một trường hợp khác không bị tai nạn nhưng mất khả năng lao động là bà L.T.M. (54 tuổi). Trước khi nhập viện, bà làm việc tại một nhà máy trên địa bàn TPHCM với công việc thường xuyên phải ngồi nhiều, không khí trong khu vực làm việc bị ô nhiễm. Hơn 1 năm qua bà có biểu hiện đau lưng, tình trạng diễn tiến ngày càng nặng, thêm vào đó những cơn ho dai dẳng xảy ra thường xuyên. Khi đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ xác định bệnh nhân bị thoái hóa cột sống mức độ nặng. Nghiêm trọng hơn, một phần các buồng phổi của bà bị xơ cứng do bệnh lý bụi phổi gây ra. Tình trạng trên khiến bệnh nhân buộc phải "về hưu non" vì không còn đủ sức để lao động.

Rùng mình với tai nạn và bệnh nghề nghiệp ở người lao động - 2
Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đang để lại những hậu quả nghiêm trọng cho người lao động.

Trên thực tế, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vẫn đang âm thầm diễn ra từng ngày, từng giờ. Ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM chia sẻ: "Tai nạn lao động là thực tế đang diễn ra đối với tất cả các ngành nghề, bên cạnh đó bệnh nghề nghiệp là vấn đề nhức nhối khác nhưng chưa được cộng đồng và người sử dụng lao động quan tâm đúng mức. Đây không phải là vấn đề sức khỏe của cá nhân người lao động mà nó ảnh hưởng chung tới năng suất, hiệu quả, lợi ích của doanh nghiệp. Nghiêm trọng hơn, các vấn đề tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giống nòi".

Bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người lao động

Ông Đoàn Trung chia sẻ: "Khi làm việc với các bác sĩ trực tiếp điều trị cho người lao động, bản thân tôi thấy rùng mình trước những di chứng, hệ lụy do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp gây ra. Thực tế có nhiều bệnh nhân trước khi gặp tai nạn hoặc bệnh tật đang là lao động chính nhưng sau tai nạn họ mất đi khả năng lao động, phải lệ thuộc vào người thân trong gia đình, tạo gánh nặng cho xã hội. Nếu phòng tránh được tai nạn lao động, phòng ngừa tốt bệnh nghề nghiệp sẽ tạo nên lực lượng lao động có chất lượng tốt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội".

Theo BS Phan Minh Hoàng, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Phục hồi Chức năng, TPHCM, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là những tình huống hoặc bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp trong lĩnh vực công việc người bệnh thực hiện. Nguyên nhân của bệnh nghề nghiệp là do an toàn và vệ sinh lao động không tốt dẫn tới những tác hại ngay lập tức của những vụ tai nạn hoặc tác động lâu dài gây ra hệ lụy của những căn bệnh nguy hiểm cho sức khỏe của con người.

Rùng mình với tai nạn và bệnh nghề nghiệp ở người lao động - 3
Liên đoàn Lao động sẽ phối hợp với Bệnh viện Phục hồi chức năng, TPHCM chăm lo sức khỏe cho người lao động trên địa bàn.

Để hạn chế rủi ro, nâng cao an toàn cho người lao động trên địa bàn TPHCM, ngày 14/4 Liên đoàn Lao động TPHCM đã ký kết "Chương trình phúc lợi đoàn viên nâng cao sức khỏe, đoàn viên, công đoàn, người lao động". Trong khuôn khổ của chương trình, Bệnh viện Phục hồi Chức năng TPHCM là đơn vị y tế có trách nhiệm thực hiện các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp… trên địa bàn thành phố.

Các bác sĩ sẽ hướng dẫn chuyên môn, giúp người lao động, người sử dụng lao động cách phòng tránh các loại bệnh nghề nghiệp và giảm tối đa nguy cơ tai nạn lao động. Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ là nơi hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng cho những bệnh nhân không may bị tai nạn lao động, người mắc bệnh nghề nghiệp, giúp họ sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Ông Trần Đoàn Trung nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng tất cả các bên liên quan sẽ xây dựng ngày càng tốt hơn môi trường lao động an toàn, lành mạnh, phòng ngừa, hạn chế mọi rủi ro để bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho người lao động. Chương trình sẽ gắn liền với trách nhiệm của doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong việc chấp hành nghiêm chỉnh Luật Lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức, thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người lao động thông qua việc khám, tầm soát, điều trị bệnh nghề nghiệp".