Rớt nước mắt với lời nhắn nhủ của cô giáo ung thư phổi giai đoạn cuối, bệnh viện trả về

(Dân trí) - “Cho dù ngắn dài, dù có phải dừng bước bất cứ lúc nào em vẫn luôn cảm thấy đủ trọn vẹn. Tóc anh bạc nhiều rồi anh biết không, cố chịu em thêm thật nhiều thời gian nữa, để mình cùng nhau đi thêm nhiều quãng đường nữa anh nhé”, là lời nhắn nhủ của chị Hường với chồng sau gần 5 năm chiến đấu với bệnh ung thư phổi giai đoạn 4, di căn não.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hường và anh Nguyễn Văn Bích đều là “giáo viên làng” ở thôn Thái Hòa, Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội. Chị dạy môn Văn, anh dạy Toán. Mắc ung thư phổi giai đoạn 4, sau đó di căn não, chị Hường đã vượt qua bệnh tật gần 5 năm. Giờ đây ở tuổi 51, chị bảo mình đã không còn tiếc nuối điều gì, đã sẵn sàng để ra đi. 

Cậu con trai đầu lòng nay đã lớn, là sinh viên năm thứ 4 Đại học Dược Hà Nội. Cô con gái cũng bước tiếp con đường của cha mẹ khi là sinh viên năm nhất Đại học Sư phạm Hà Nội. 

Còn anh Bích cho rằng mình là một “doanh nhân” kinh doanh có lãi. Lãi được tính từng ngày chính là những ngày vợ anh còn sống bên gia đình. 

 “Tôi nâng niu từng ngày mình còn được sống, còn được hiện diện trên trần gian. Tôi trân quý mỗi phút giây bên gia đình, chồng con, bè bạn để không phải luyến tiếc điều gì”, chị Hường cười nói. Với chị sự chuẩn bị tốt nhất trước cái chết chính là là cho đi yêu thương và nhận lại yêu thương. 

Rớt nước mắt với lời nhắn nhủ của cô giáo ung thư phổi giai đoạn cuối, bệnh viện trả về - 1

Chị Hường kiên trì chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối được 3 năm thì bệnh di căn lên não. Ảnh chụp tháng 6/2017: Nhân vật cung cấp. 

Căn bệnh ung thư phổi gõ cửa

Trí nhớ giờ không còn được như trước, lúc nhớ lúc quên nhưng chị vẫn nhớ cái ngày định mệnh ấy vào tháng 1/2015. Khi đó, chị Hường đưa người nhà đi khám tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất. Dường như số phận đã định sẵn khi chị bỗng nảy ra ý định đi kiểm tra sức khỏe cho bản thân vì lâu ngày chưa khám. 

Người chủ tâm đi khám thì không phát hiện bệnh, còn người tình cờ đi khám như chị lại thực sự là người bị ốm. Bác sĩ phát hiện khối u khá lớn trong phổi (hơn 6cm), yêu cầu chị phải nhập viện ngay. 

Là người luôn có ý thức giữ gìn sức khỏe, ăn uống hằng ngày cũng hết sức cẩn thận, chị còn lập câu lạc bộ aerobic, sáng nào các chị em cũng tập nhảy. Vì thế, chị không tin bệnh ung thư có thể điểm danh mình.

Lên Bệnh viện Ung bướu Hà Nội kiểm tra lại, và một lần nữa bác sĩ yêu cầu chị phải nhập viện ngay. Chị được chẩn đoán bị ung thư phổi giai đoạn cuối, đã có dịch màng phổi và hạch trung thất. Chị vẫn nhớ cảm giác lúc đó như có một luồng điện chạy từ đỉnh đầu xuống gáy khiến bản thân bị tê liệt, không nói được câu gì.

“Giờ kể lại tôi vẫn thấy hoảng. Nghe thấy khối u đã sợ”, chị Hường kể lại. 

Bác sĩ chỉ định cho chị nhập viện, lên phác đồ điều trị song chị cũng không biết sẽ điều trị đến bao giờ. Khối u nằm gần tim, không thể phẫu thuật nên chị được chỉ định truyền hóa chất. 

Cảm giác rất rõ đồng hồ sinh mạng mình đang đếm ngược, chị thương con đang tuổi dở dang, một đứa mới học lớp 8, một đứa lớp 11. “Rồi chúng sẽ ra sao nếu một ngày tôi ra đi. Tôi đau đớn và sợ mình sẽ không thể vượt qua được, sợ tới bệnh viện, sợ nhìn thấy những người giống mình, mặc những chiếc áo bệnh nhân, với những cái đầu trọc do tác dụng phụ của hóa xạ trị. Bạn bè, học trò, người thân nghe tin tới thăm tôi lại càng sợ”, chị Hường nhớ lại quãng thời gian khủng hoảng ban đầu. 

Rớt nước mắt với lời nhắn nhủ của cô giáo ung thư phổi giai đoạn cuối, bệnh viện trả về - 2

Trước khi bệnh ung thư phổi di căn lên não, thỉnh thoảng chị Hường vẫn tranh thủ lên lớp dạy cho đỡ nhớ nghề. Ảnh chụp tháng 9/2017: Nhân vật cung cấp. 

Dù đã lường trước kết quả nhưng anh Bích vẫn thấy choáng váng khi bác sĩ thông báo dù có điều trị vợ anh cũng chỉ có thể sống thêm được 9 tháng. Dù vậy, anh vẫn quyết tâm cho vợ theo bệnh viện điều trị đến cùng, kéo dài được ngày nào hay ngày đó. 

Cũng phải mất một thời gian anh mới có thể sốc lại tinh thần để không ảnh hưởng đến việc học của hai con. Anh phân công cho vợ trách nhiệm chữa bệnh còn mình chịu trách nhiệm kiếm tiền, chăm con. 

Chị vẫn nhớ khi đó anh Bích đã nói với mình “Anh cần em, các con cần em. Em phải cố gắng, có bệnh thì chữa”.

Gần 5 năm chiến đấu với bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối, di căn não

Cuộc chiến với căn bệnh ung thư phổi của chị Hường cũng bắt đầu từ đó. Chị vẫn nhớ cảm giác mệt mỏi kinh khủng, nôn nao, sợ hãi, cắn rứt như véo từng thớ thịt trong lần đầu truyền hóa chất. Đã có những lúc chị muốn từ bỏ, vì tóc rụng, người mệt mỏi nhưng dần dần chị bắt đầu thích nghi và coi nó như việc phải làm. 

Kiên trì điều trị hóa chất được 3 năm thì chị thấy thi thoảng bị đau đầu, chóng mặt, đi chụp thì phát hiện đã bị di căn não đa ổ. Sau 10 mũi xạ thường, thấy khối u não vẫn to lên, chị được chuyển sang Bệnh viện 108 để xạ phẫu, sau đó quay lại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tiếp tục điều trị hóa chất. Nhưng 3 tháng sau, khối u não lại to lên bất thường khiến chị không tự đi lại được. 

Bác sĩ thông báo với gia đình không có cách nào nữa. Dù vậy anh Bích vẫn quyết xin cho vợ sang Bệnh viện Bạch Mai để xạ dao gamma, may ra tốt hơn. Điều trị thử nghiệm tốn kém anh cũng chấp nhận vì không còn gì để mất. 

Sức khỏe yếu dần, chị Hường thường xuyên bị co giật, ăn được rất ít, không thể ngủ được vì đau đầu, liên tục dùng thuốc giảm đau. Bác sĩ cũng đành bất lực vì không còn cách nào để điều trị cho chị nữa. 

Rớt nước mắt với lời nhắn nhủ của cô giáo ung thư phổi giai đoạn cuối, bệnh viện trả về - 3

Chuyển đi du lịch biển Hạ Long của cả nhà chị Hường vào tháng 7/2019. 

Bác sĩ cho về, nhưng chị Hường vẫn muốn điều trị chờ cơ hội, để được sống vì chị nghĩ hai con vẫn rất cần mẹ. Đi một vòng cuối cùng chị lại về Bệnh viện Ung bướu Hà Nội truyền hóa chất cầm chừng. Thậm chí chị làm cả xét nghiệm gene, dùng thuốc trúng đích dù tốn kém, dù chỉ là thử. 

Nhưng cuối cùng bác sĩ cũng đành cho chị về nhà, được đến đâu hay đến đấy, thích ăn gì thì ăn vì đã hết thuốc, hết phác đồ, không còn cách nào để chữa. Lúc này, chị cũng như mọi người trong gia đình đều biết rằng đã không một tia hy vọng gì nữa, chỉ là về để chờ chết. 

Ngày chị bị bệnh viện trả về là vào cuối năm ngoái. Bạn bè, những người đồng bệnh, hàng xóm láng giềng đến thăm với tâm thế để chuẩn bị… chào từ biệt lần cuối. 

Cùng thời điểm ấy, mẹ chị Hường cũng bị bệnh viện trả về vì ung thư dạ dày. Chị chỉ cầu mong hai mẹ con không phải ra đi vào mấy ngày Tết. Song mẹ chị đã không thể qua khỏi, bà mất đúng vào ngày 22 tháng Chạp ở tuổi 70. Khi đó chị thực sự suy sụp, nghĩ rằng ngày một ngày hai rồi mình cũng sẽ theo mẹ. Nghĩ mình sắp chết nên chị thèm sống vô cùng. 

Mong muốn là vậy nhưng cuộc đời chỉ chị được sống đến thế thì cũng đành chấp nhận. “Tôi sẽ đi theo mẹ, sẽ buông bỏ tất cả, cần phải bình thản đón nhận kết cục này trong một ngày gần là một điều tất yếu”, chị Hường nhớ lại những ngày giáp Tết năm ngoái. Thời điểm đó cả gia đình tưởng chị không thể chống đỡ được.

Cuộc sống với chị chỉ còn có thể tính bằng ngày. Vì thế, chị đã âm thầm chuẩn bị thật chu đáo cho chuyến đi xa này. Một ngày nào đó có ra đi thì chị cũng hài lòng vì đã làm hết cách có thể. 

Rớt nước mắt với lời nhắn nhủ của cô giáo ung thư phổi giai đoạn cuối, bệnh viện trả về - 4

Vợ chồng chị Hường và hai con. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Tâm thế chuẩn bị là vậy nhưng cả anh Bích và chị Hường đều lo lắng vì sợ chị sẽ ra đi khi con đang ở thời điểm học hành dở dang. Khi đó mong muốn duy nhất của hai vợ chồng là chị có thể gắng gượng để con gái hoàn thành xong kỳ thi đại học. 

Chị về nhà, anh Bích trở thành “bác sĩ” riêng của vợ. Chị Hường kể lúc đó chồng nói sẽ chăm sóc cho chị từ bữa ăn đến giấc ngủ. “Anh bảo làm gì, ăn gì, ngủ nghỉ như thế nào là em phải nghe anh, em hãy cố gắng nhé”, anh Bích nói với vợ. 

Chị nghe lời chồng, nhiều khi miệng đắng ngắt mà vẫn cố gắng ăn mỗi ngày thêm một chút, không nghĩ đến bất cứ điều gì tiêu cực. Dù có như thế nào mỗi phút giây còn được hiện diện trong cuộc đời ở bên chồng, bên con cũng đủ để chị thấy đó là những phút giây đầy may mắn và hạnh phúc cần phải níu giữ. 

Rớt nước mắt với lời nhắn nhủ của cô giáo ung thư phổi giai đoạn cuối, bệnh viện trả về - 5

Chị Hường gọi chồng mình là người đàn ông tử tế, một người bạn đường vĩ đại. Ảnh: Nam Phương. 

Đã sẵn sàng để ra đi…

Thời điểm sắp đến kỳ thi Đại học của con gái hè vừa rồi, hai vợ chồng chị đếm ngược từng ngày. Và chị đã không chỉ vượt qua được ngày đó, không những chờ được đến ngày nhận tin báo con gái đã đỗ vào Trường Đại học Sư phạm mà còn chờ được cho đến tận ngày hôm nay. Thậm chí có dịp cả gia đình đi du lịch biển, điều chị chưa bao giờ nghĩ có thể trở thành hiện thực sau bao năm bệnh tật. 

Chị tin tưởng sẽ còn rất nhiều những ngày hạnh phúc sau này nữa. “Tôi vẫn còn được bình yên ngồi ở đây, trong căn nhà nhỏ ấm cúng của mình. Nhiều lúc tôi cũng không tin mình có thể vượt qua được song có những điều thực sự tưởng như không thể lại có thể”, chị Hường mỉm cười nói. 

Chị gọi anh Bích là người chồng tử tế, người bạn đường vĩ đại. Thỉnh thoảng anh có mắng vợ, nhưng anh vẫn chăm lo cho chị và làm mọi việc to nhỏ trong gia đình từ rửa bát, giặt giũ đến chăm lo cho con con… 

Vợ thích hoa nên gần một năm nay anh Bích cũng bắt đầu nghiên cứu trồng hoa lan. Bao nhiêu cây thuộc hàng “quốc sắc” được anh đem phơi nắng trên sân thượng. 

"Mình trồng mỗi thứ một chút, để làm sao mỗi tháng đều có hoa nở. Tháng giêng sẽ hoa lan long tu xuân, hoàng thảo vôi, tháng 4 sẽ có lan phi điệp", anh Bích nói. 

Rớt nước mắt với lời nhắn nhủ của cô giáo ung thư phổi giai đoạn cuối, bệnh viện trả về - 6

Vì vợ thích hoa lan, nên gần một năm nay anh Bích bắt đầu nghiên cứu trồng lan. Ảnh: Nam Phương. 

Chuyện về “con ếch điếc”

Có lẽ điều giúp chị Hường vượt qua gần 5 năm sóng gió không chỉ nhờ tình yêu của chồng, của con mà nhờ vào niềm tin của bản thân. 

“Tôi nghĩ bây giờ bệnh của mình chưa chữa được nhưng nếu mình cố gắng thì sớm muộn cũng sẽ có thuốc. Tôi tin tưởng y học phát triển là mình được cứu. Lúc nào tôi cũng nghĩ thế”, chị Hường cười nói. Vì thế, chị cứ cố gắng, mỗi ngày cố gắng một chút. 

Chị nhớ ngày chị nhận tin dữ là khi cậu con trai đầu lòng đang học lớp 11. Cháu còn trẻ con, nghĩ thương mẹ nên an ủi “Mẹ yên tâm, sau này con lớn con sẽ tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ”. 

Giờ đây, chị cũng không phải nghĩ nhiều về việc đi hay ở nên rất thoải mái nhẹ nhàng. Có một người bạn đã tặng chị một bài thơ và ví chị như một con ếch điếc.

Chú ếch ấy không nghe thấy đồng loại đang hét lên rằng không thể và không bao giờ nhảy được lên mặt giếng đâu. Nhưng vì điếc, nó lại tưởng đồng loại đang cổ vũ mình, nên nó cứ cần mẫn từng ngày từng ngày. Sau bao phen nhảy lên rồi ngã xuống, nó đã tìm được cách để lên tới mặt giếng, một điều không thể làm với một con ếch có đôi tai với thính lực bình thường. 

Mọi người bảo như có phép màu, tưởng không thể mà vẫn có thể vì chị vẫn còn sống. Anh Bích thì luôn cười hiền bảo chị rằng: "Anh không mong gì, chỉ mong em khỏe vì em sống khỏe ngày nào là anh lãi ngày đó, anh lãi từ cả ngàn ngày nay rồi”. 

Rớt nước mắt với lời nhắn nhủ của cô giáo ung thư phổi giai đoạn cuối, bệnh viện trả về - 7

Anh Bích trồng hoa lan vì vợ thích, và vì đó cũng là một cách để xả stress. Ảnh: Nam Phương. 

“Ung thư không phải dấu chấm hết. Ung thư chính là sự bắt đầu, bắt đầu chiến đấu để vượt qua nó”, chị Hường tâm sự.

Chị Hường đã nghỉ dạy học từ giữa năm 2018 khi bắt đầu có dấu hiệu di căn não. Giờ đây, hàng ngày chị vẫn dậy sớm đi bộ, ăn uống điều độ đủ chất, không kiêng khem, tăng cường ăn rau củ quả sạch, uống bổ sung thực phẩm hỗ trợ điều trị đều đặn 10 viên mỗi ngày. Lúc nào khỏe thì chị đi bộ lâu, 30-40 phút, yếu thì chị cố gắng đi bộ 15 phút.
Còn anh Bích thì một ngày càng nhận rõ sự cải thiện của vợ mình về những di chứng của khối u não. Lúc mới về nhà, một nửa bên người của chị bị liệt, sau rồi cố gắng chống gậy nhúc nhắc đi lại được, giờ đây chị đã có thể chợ búa, cơm nước cho chồng con. Chị được như vậy anh và các con vui lắm, về phần mình dù có thế nào anh vẫn cố gắng để mỗi ngày vợ được sống là một niềm vui.
“Với em mọi điều như vậy là mãn nguyện lắm rồi. Em biết ơn anh vô cùng, người chồng luôn làm em kính trọng, luôn làm em cảm thấy mình được yêu thương. Cho dù ngắn dài, dù có phải dừng bước bất cứ lúc nào em vẫn luôn cảm thấy đủ trọn vẹn rồi. Tóc anh bạc nhiều rồi anh biết không, cố chịu em thêm thật nhiều thời gian nữa, để mình cùng nhau đi thêm nhiều quãng đường nữa anh nhé”, chị Hường nhắn nhủ với người chồng đã gắn bó với suốt 20 năm qua. 

Phóng sự trên VTV2 về cô giáo và hành trình 5 năm vượt qua ung thư

 

Nam Phương