Rối loạn tăng động giảm chú ý không phải là bệnh!
(Dân trí) - Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) chỉ là một tập hợp các triệu chứng và không nên xem đó là một bệnh thực sự.
Không nên xem ADHD là bệnh Photo: ALAMY (POSED BY MODEL)
Theo TS. Bruce Perry, chuyên gia thần kinh hàng đầu của Mỹ thì định nghĩa về ADHD rộng đến mức ai cũng có thể có ít nhất là một vài triệu chứng vào lúc này hay lúc khác.
Các bác sỹ hiện đang kê đơn các thuốc “kích thần” cho trẻ một cách “quá nhanh chóng” trong khi bằng chứng cho thấy việc làm này không mang lại lợi ích lâu dài nào.
Số lượng đơn thuốc điều trị ADHD, như Ritalin, đã tăng từ 420.000 năm 2007 lên 657.000 vào năm 2012 - với mức tăng 56%.
Việc điều trị tình trạng tăng động của trẻ bằng thuốc cũng giống như cho bệnh nhân đau tim dùng thuốc giảm đau - trong đó nguyên nhân gây bệnh, có thể chỉ đơn giản là thiếu máu do thiếu sắt - không được chú ý đến.
Khoảng 2 - 5% số trẻ em bị coi là mắc ADHD. Các triệu chứng bao gồm thời gian chú ý ngắn, bồn chồn và đứng ngồi không yên.
TS Perry cho rằng: “Chỉ nên coi đây như một sự mô tả chứ không phải là một bệnh thực sự... ai trong chúng ta cũng sẽ phù hợp với ít nhất là một vài tiêu chuẩn trong số này vào một lúc nào đó”.
Nếu trẻ được kê đơn thuốc điều trị ADHD, thì khi lớn lên trẻ sẽ cần liều ngày càng cao để đạt được cùng tác dụng như vậy.
‘Thuốc ảnh hưởng tới các hệ thống trong cơ thể theo những cơ chế mà chúng ta chưa hiểu rõ.’ TS. Perry cũng cho biết các liệu pháp khác, như yoga hoặc thậm chí là đánh trống, có thể hiệu quả ngang với thuốc.
ADHD được mô tả là một “nhóm các triệu chứng hành vi” bao gồm thiếu chú ý, tăng động và xung động. Các triệu chứng hay gặp gồm thời gian chý ý ngắn, bồn chồn hoặc luôn ngọ ngoạy và sớm xao lãng.
Nhiều người bị ADHD cũng gặp những khó khăn về học tập và các vấn đề khác như rối loạn giấc ngủ. Rối loạn này thường được chẩn đoán ở độ tuổi từ 3 đến 7.
Những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gồm hút thuốc lá, lạm dụng rượu hoặc ma túy trong khi mang thai, đẻ non và là giới nam.
Cẩm Tú
Theo DailyMail