Robot và thiết bị hiện đại sẵn sàng đón 120 ca Covid-19 từ Ghi-nê Xích Đạo
(Dân trí) - Trước giờ tiếp nhận 120 ca Covid-19 về từ Ghi-nê Xích Đạo, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã sẵn sàng mọi nguồn lực để thực hiện công tác cách ly và điều trị lượng bệnh nhân lớn chưa từng có.
Dồn tất cả nguồn lực của Bệnh viện để cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19
Dự kiến, chuyến bay chở đoàn 219 công dân Việt Nam từ Ghi-nê Xích Đạo sẽ đáp xuống sân bay Nội vào chiều hôm nay, 29/7. Toàn bộ số công dân này, trong đó có 120 trường hợp đã được xác định dương tính sẽ được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung.
Với 120 trường hợp nhiễm bệnh (và có thể tăng thêm) nhập viện, đây cũng sẽ là lần đầu tiên cơ sở chống dịch tuyến đầu của miền Bắc điều trị đồng thời cho nhiều bệnh nhân Covid-19 như vậy. Được biết, vào giai đoạn cao điểm nhất của dịch, Bệnh viện cũng chỉ điều trị cho khoảng 70 trường hợp.
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để sẵn sàng cho lượng bệnh nhân Covid-19 đông chưa từng có này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiến giải tỏa 100% các bệnh nhân thông thường tại cơ sở Kim Chung ước tính khoảng 300 người. Bên cạnh đó, Bệnh viện đã bố trí hơn 250 nhân lực, là các y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên sẽ cách ly tại tuyến đầu, để phục vụ công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19 trong đợt này.
Hiện tại, Bệnh viện đã bố trí 3 khoa để tiếp nhận điều trị các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 bao gồm: Khoa Nội tổng hợp, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp và khoa Virus - Kí sinh trùng. Bên cạnh đó, trong trường hợp bệnh nhân diễn tiến nặng thì có thể bố trí sang khoa Cấp cứu và khoa Hồi sức Tích cực.
Chỉ còn vài giờ đồng hồ trước khi tiếp nhận 120 bệnh nhân Covid-19, các y, bác sĩ tại các khoa, phòng đang khẩn trương kiểm tra lại lần cuối các trang thiết bị, vật tư y tế sẽ phục vụ cho công tác điều trị. Giường bệnh cũng được sắp xếp lại, để đảm bảo giãn cách tối thiểu 2 mét, giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.
Theo kế hoạch, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp sẽ tiếp đón 40 bệnh nhân Covid-19 trong đoàn lần này. Tại thời điểm tác nghiệp, các điều dưỡng của Khoa đang gấp rút chuẩn bị đồ dùng cá nhân cho các bệnh nhân Covid-19.
Theo chị Phạm Thị Kim Phương, Phụ trách điều dưỡng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, mỗi gói đồ dùng tiêu chuẩn của bệnh nhân sẽ bao gồm: kem đánh răng, bàn chải, dầu gội, sữa tắm, cốc uống nước.
Được biết, đây là lần thứ 2, điều dưỡng Phương cách ly tại Bệnh viện để tham gia chống dịch. Chị chia sẻ: “Tôi đã có 15 năm trong nghề, những lần cách ly thế này rất nhớ 2 đứa con ở nhà, nhưng đây là nhiệm vụ chung nên tôi sẽ cố gắng hết sức”.
Khu vực khoa Cấp cứu là nơi sẽ nhận nhiệm vụ tiếp đón và phân luồng đoàn bệnh nhân. Chia sẻ sau khi vừa kết thúc cuộc họp về các phương án sẽ triển khai, Bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu cho biết: “Nhiệm vụ được đặt ra là phải làm thế nào để phân luồng, sắp xếp các bệnh nhân khoa phòng đã được bố trí thật nhanh, bởi nếu ùn ứ lâu ở 1 khu vực sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm”.
Có nhiệm vụ tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng, khoa Cấp cứu đã sẵn sàng nguồn lực để có thể xử lý các tình huống xấu nhanh nhất có thể. BS Bắc chia sẻ: “Hiện chúng tôi có 4 nhân viên y tế và sẽ phối hợp cùng với các điều dưỡng của khoa khác. Hệ thống máy móc đã được kiểm tra kĩ lưỡng và sẵn sàng để sử dụng. Dụng cụ y tế, thuốc men đã được triển khai sẵn, để nếu có bệnh nhân nặng thì có thể cấp cứu ngay, không cần mất thời gian đi lấy đồ”.
Khoa cấp cứu hiện có 2 buồng áp lực âm đạt tiêu chuẩn cao nhất, được trang bị nhiều công nghệ hiện đại, để đảm bảo mầm bệnh của bệnh nhân khi điều trị trong đó không bị phát tán ra bên ngoài.
Robot cùng nhiều công nghệ hiện đại sẽ tham gia chống dịch
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, sẽ có nhiều trang thiết bị, công nghệ hiện đại được ứng dụng, để hỗ trợ các y, bác sĩ trong công tác chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân lần này.
Đáng chú ý, có 3 robot y tế hiện đại, do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc trao tặng, cũng sẽ tham gia vào cuộc chiến chống dịch trên tuyến đầu.
Robot có thể được điều khiển từ xa thông qua điện thoại và máy tính cá nhân của các y, bác sĩ. Với hệ thống camera, mic đàm thoại và màn hình cảm ứng tích hợp, robot có thể giúp cán bộ y tế tương tác từ xa với bệnh nhân một cách rất hiệu quả. Bên cạnh đó, với bệnh nhân nặng, robot còn hỗ trợ công tác hội chẩn từ xa.
Các khu vực điều trị cho bệnh nhân nặng như khoa Cấp cứu hay khoa Hồi sức tích cực còn được trang bị hệ thống giám sát sức khỏe của bệnh nhân từ xa. Theo đó, các chỉ số sinh tồn, cũng như hình ảnh của bệnh nhân sẽ được monitor gửi về qua hệ thống trung tâm. Như vậy, các y, bác sĩ có thể theo dõi sát tình trạng của ca bệnh, thông qua màn hình đặt ở bên ngoài phòng bệnh, từ đó hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Thao tác đặt nội khí quản cho bệnh nhân Covid-19 sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế. Để giải quyết vấn đề này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đưa vào sử dụng hệ thống đặt nội khí quản.
Ngoài các thiết bị kể trên, tại cơ sở này còn triển khai nhiều công nghệ tối tân khác cho nhiệm vụ chống dịch. Có thể kể đến như ống nghe có kết nối wifi cho phép theo dõi nhịp tim của bệnh nhân từ bên ngoài phòng bệnh, hay hệ thống camera giám sát thân nhiệt được đặt ở sảnh bệnh viện, có khả năng phát hiện và cảnh báo những trường hợp có thân nhiệt cao.
BS Phạm Ngọc Thạch khẳng định, dù sẽ tiếp nhận số lượng bệnh nhân đông chưa từng có nhưng với năng lực hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn có thể đáp ứng tốt công tác điều trị.
“Chúng tôi hiện có 400-500 phòng bệnh, 5 phòng áp lực âm, hơn 100 máy thở và đội ngũ y, bác sĩ đã dày dặn kinh nghiệm chống dịch có thể đáp ứng tốt cho việc điều trị, thậm chí cả trong trường hợp có đến 100 bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng” - BS Thạch nhấn mạnh