Đồ phòng hộ đặc biệt của y, bác sĩ trên chuyến bay chở 120 ca Covid-19
(Dân trí) - Với phương tiện này, các y, bác sĩ không những được hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, do nguồn không khí dùng để hô hấp đã được lọc sạch virus, mà việc hít thở còn được thực hiện dễ dàng hơn.
Với 120 người đã được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, chuyến bay đón đoàn công dân Việt đang làm việc tại Ghi-nê Xích Đạo cất cánh vào 7 giờ sáng 28/7, được xem là chuyến bay đón công dân “nguy hiểm” nhất, từ khi dịch Covid-19 hoành hành đến nay.
Theo TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng là 1 trong 4 y, bác sĩ đi cùng chuyến bay này chia sẻ: “Xác định số lượng bệnh nhân rất nhiều và có cả các ca nặng nên phương tiện mang theo chuyến bay này cũng rất đặc biệt, để đảm bảo đáp ứng tốt với các tình huống xấu có thể xảy ra”.
Lực lượng y tế sẽ mang theo theo lượng vật tư y tế “khổng lồ” trong chuyến đi đặc biệt này.
Theo tìm hiểu, riêng trang phục phòng hộ, nhiệt kế, sonde hút đờm, bông, gạc… đã xếp đầy 20 thùng carton lớn.
Bên cạnh vật tư y tế, đoàn công tác của Bệnh viện còn mang theo thuốc men và nhiều thiết bị y tế, để có thể tiến hành cấp cứu ngay trên máy bay, nếu tình trạng bệnh nhân không may diễn tiến xấu.
“Chúng tôi mang theo 2 máy khí dung, 2 máy thở, 2 máy thử đường huyết, 1 máy đo SpO2 và nhiều thiết bị khác để chủ động ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra” – BS Hùng phân tích. Tại thời điểm tác nghiệp, các thiết bị đang được sạc pin và kiểm tra lại lần cuối để đảm bảo vận hành tốt trên chuyến bay.
Với đặc thù nguy cơ lây nhiễm rất cao do có đến 120 bệnh nhân Covid-19 trên chuyến bay, cùng với đó, thời gian bay kéo dài đến 15 tiếng (lượt về), các y, bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phối hợp cùng Đại học Bách khoa, để chế tạo 1 loại phương tiện phòng hộ đặc biệt, dành riêng cho chuyến bay lần này.
Cụ thể, phương tiện phòng hộ này sẽ được choàng lên trang phục phòng hộ cơ bản của các nhân viên y tế. 1 thiết bị thổi kết hợp lọc khí sẽ liên tục đưa không khí sạch vào bên trong trang phục này, thông qua hệ thống đường ống dẫn.
Bằng cách sử dụng phương tiện này, các y, bác sĩ không những được hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, do nguồn không khí dùng để hô hấp đã được lọc sạch virus, mà việc hít thở còn được thực hiện dễ dàng hơn, giúp giảm cảm giác bí bách do phải mặc đồ phòng hộ suốt 15 tiếng liên tục trên chuyến bay.
“Phương tiện phòng hộ này là 1 trong những sáng kiến của chúng tôi cho chuyến bay đón 219 công dân từ Ghi-nê Xích Đạo. Cả 4 bác sĩ và điều dưỡng sẽ mặc bộ đồ này trong suốt thời gian chiều về của chuyến bay. Như vậy, nhân viên y tế sẽ có 2 lớp bảo vệ là khẩu trang N95 và bộ đồ này” – BS Hùng phân tích.
Cũng theo BS Hùng, với dòng không khí chuyển động liên tục, bộ đồ này sẽ ngăn được hiện tượng hấp hơi trên lớp màng chắn, từ đó giúp các nhân viên y tế dễ dàng quan sát và thao tác hơn.
Theo tìm hiểu, máy thổi và lọc khí tích hợp có kích thước chỉ bằng tập vở học sinh, có thể đeo dễ dàng ở bên hông của nhân viên y tế. Máy sử dụng lớp màng lọc HEPA cho phép lọc sạch 99% virus trong không khí. Bên cạnh đó, pin của thiết bị có thể hoạt động liên tục gần 20 tiếng, nên không cần phải sạc trong quá trình bay.
Ngày 27/7, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương công bố khỏi bệnh cho 1 ca mắc Covid-19 đang điều trị tại cơ sở y tế này. Trường hợp được công bố khỏi bệnh là BN357. Hiện tại, bệnh nhân đã có 2 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp với virus SARS-CoV-2, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Sau khi được công bố khỏi bệnh, bệnh nhân vẫn tiếp tục được cách ly thêm 14 ngày để theo dõi sức khỏe.
Với thêm 1 bệnh nhân bình phục, Việt Nam đã chữa khỏi 366/431 ca Covid-19.