Giải pháp đặc biệt để tránh lây nhiễm trên chuyến bay chở 120 ca Covid-19

Minh Nhật

(Dân trí) - Đây là chuyến bay đặc biệt đưa công dân về nước, bởi đã có đến 120 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 từ châu Phi nên nguy cơ lây nhiễm chéo là rất cao.

Giải pháp đặc biệt để tránh lây nhiễm trên chuyến bay chở 120 ca Covid-19

Êkip kinh nghiệm đi cùng chuyến bay giải cứu

Theo kế hoạch, chuyến bay đưa 219 lao động Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước sẽ khởi hành từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào sáng 28/7 và đón lao động Việt Nam tại sân bay Bata của Guinea Xích đạo. Sau đó, đầu giờ chiều 28/7 (giờ địa phương) chuyến bay sẽ cất cánh từ sân bay Bata về nước, dự kiến hạ cánh sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) vào trưa 29/7 (giờ Việt Nam).

Giải pháp đặc biệt để tránh lây nhiễm trên chuyến bay chở 120 ca Covid-19 - 1

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Chia sẻ về công tác đón đoàn 219 công dân Việt này, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cơ sở y tế này sẽ cử 4 cán bộ đi cùng chuyến bay, trong đó có 1 Phó Trưởng khoa Cấp cứu, 1 bác sĩ khoa Cấp cứu và 2 điều dưỡng khoa Cấp cứu.

“Các cán bộ y tế được cử đi trong chuyến bay lần này đều là những người có năng lực và dày dặn kinh nghiệm để có thể xử lý tốt các tình huống có thể xảy ra” – BS Thạch chia sẻ.

Giải pháp đặc biệt để tránh lây nhiễm trên chuyến bay chở 120 ca Covid-19 - 2

Đây là chuyến bay đặc biệt, bởi đã có đến 120 trường hợp đã nhiễm virus SARS-CoV-2 từ châu Phi, trong số đó có 45 người có triệu chứng tức ngực, 33 người ho, đau họng, 33 người khó thở, 16 người đau đầu, 12 người sốt nhẹ, 1 người sốt cao. Ngoài ra, 46/120 trường hợp mắc các bệnh nền như tim mạch, viêm loét dạ dày, cao huyết áp, viêm phế quản.

Bên cạnh đội ngũ y, bác sĩ, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư y tế để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân, thậm chí là cấp cứu ngay trên chuyến bay nếu có bệnh nhân diễn tiến nặng.

“Cùng với phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc men, chúng tôi còn mang theo 2 máy thở, 2 máy siêu âm, để nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, 4 cán bộ y tế vẫn có thể thực hiện cấp cứu tạm thời cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân cầm cự để về đến Bệnh viện” – BS Thạch nhấn mạnh.

Chống dịch Covid-19 là một cuộc chiến thực sự

Cũng giống như các chuyến bay đưa người về nước đã được thực hiện trước đây, toàn bộ phi hành đoàn sẽ được mặc phương tiện phòng hộ cá nhân trong toàn bộ chuyến bay.

Tuy nhiên, với số lượng ca mắc Covid-19 là rất lớn, lên đến 120 người, lại ở cùng trong 1 không gian kín suốt khoảng 15 tiếng tiếng đồng hồ (thời gian chuyến bay về Việt Nam), nguy cơ lây nhiễm là rất cao.

Giải pháp đặc biệt để tránh lây nhiễm trên chuyến bay chở 120 ca Covid-19 - 3

Các phi hành đoàn trên chuyến bay đón công dân Việt trở về từ Vũ Hán

Lấy dẫn chứng về trường hợp của con tàu Diamond Princess (từ 1 trường hợp mắc Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 500 người khác), Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh về rủi ro lây nhiễm chéo trên chuyến bay lần này: “Chúng tôi xác định rủi ro lây nhiễm trên chuyến bay là rất cao. Chính vì vậy, đảm bảo an toàn cho các y, bác sĩ đi cùng là một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu”.

Giải pháp đặc biệt để tránh lây nhiễm trên chuyến bay chở 120 ca Covid-19 - 4

BS Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh: “Chúng tôi coi chống dịch Covid-19 là một cuộc chiến thực sự, và chuyến đi lần này như những chiến sĩ xông vào mặt trận".

Theo ông, để hạn chế tối đa rủi ro lây nhiễm chéo cho 4 cán bộ y tế, Bệnh viện đã lên phương án chuẩn bị sẵn cả bỉm cho các y, bác sĩ để sử dụng trong trường hợp cần thiết. Về vấn đề ăn uống, phía Bệnh viện cũng đã thống nhất lực lượng này sẽ chỉ ăn lương khô và có thể uống thêm sữa.

“Chúng tôi coi chống dịch Covid-19 là một cuộc chiến thực sự, và chuyến đi lần này như những chiến sĩ xông vào mặt trận. Mọi người đều nhận thức được sự nguy hiểm của nhiệm vụ, nhưng vẫn luôn sẵn sàng vì xác định đây là nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Y tế và nhân dân giao cho” – BS Thạch chia sẻ.

Hơn 250 cán bộ, nhân viên sẽ cách ly tại tuyến đầu để phục vụ bệnh nhân

Theo kế hoạch, toàn bộ 120 bệnh nhân Covid-19 (và có thể tăng thêm) trở về từ Guinea Xích Đạo sẽ được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đây cũng sẽ là lượng bệnh nhân Covid-19 lớn nhất mà cơ sở chống dịch tuyến đầu của miền Bắc tiếp nhận và điều trị trong cùng 1 thời điểm.

Giải pháp đặc biệt để tránh lây nhiễm trên chuyến bay chở 120 ca Covid-19 - 5

Trước đó, vào giai đoạn cao điểm nhất, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chỉ cùng lúc điều trị cho khoảng 70 ca mắc Covid-19.

Để phục vụ cho công tác cách ly, điều trị lượt bệnh nhân “khổng lồ” này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã tiến hành giải tỏa 100% các bệnh nhân thông thường tại cơ sở Kim Chung.

“Chúng tôi lên kế hoạch triển khai tất cả các khoa, phòng của Bệnh viện tại cơ sở Kim Chung để phục vụ cho bệnh nhân Covid-19, nhằm đảm bảo giãn cách tối thiểu mỗi giường bệnh là 2 mét” – BS Thạch cho hay.

Giải pháp đặc biệt để tránh lây nhiễm trên chuyến bay chở 120 ca Covid-19 - 6

Cũng theo chuyên gia này, hiện có hơn 250 cán bộ, công nhân viện của Bệnh viện là các y, bác sĩ, bảo vệ, nhân viên vệ sinh, nhân viên nấu ăn… được bố trí cách ly tại tuyến đầu, để phục vụ công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19 trong đợt này. Cùng với đó, còn có 1 lực lượng dự bị tại cơ sở Giải Phóng sẵn sàng để tiếp sức.

Giải pháp đặc biệt để tránh lây nhiễm trên chuyến bay chở 120 ca Covid-19 - 7

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

BS Phạm Ngọc Thạch khẳng định, dù sẽ tiếp nhận số lượng bệnh nhân đông chưa từng có nhưng với năng lực hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn có thể đáp ứng tốt công tác điều trị.

“Trong đoàn 120 bệnh nhân lần này, theo dự kiến sẽ có khoảng 10-15 ca nặng. Chúng tôi hiện có 400-500 phòng bệnh, 5 phòng áp lực âm, hơn 100 máy thở và đội ngũ y, bác sĩ đã dày dặn kinh nghiệm chống dịch có thể đáp ứng tốt cho việc điều trị, thậm chí cả trong trường hợp có đến 100 bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng”.